Vietstock Awards 2024 sẽ vinh danh những hạng mục giải thưởng nào về ngành chăn nuôi?

STNN - Vietstock Awards 2024 sẽ có 8 hạng mục giải thưởng nhằm vinh danh các doanh nghiệp và tổ chức có những hoạt động nổi bật, đóng góp về nghiên cứu, phát triển công nghệ và giải pháp hữu ích giải quyết vấn đề của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam.

Ngày 11/9/2024, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tập đoàn Informa Markets đã chính thức công bố giải thưởng Vietstock Awards 2024 - sự kiện vinh danh hàng đầu trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Đây là năm thứ 12 giải thưởng được tổ chức, nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Cụ thể, giải thưởng Vietstock Awards 2024 nhằm vinh danh các doanh nghiệp và tổ chức có những hoạt động nổi bật, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam, nhất là đóng góp về nghiên cứu, phát triển công nghệ và giải pháp hữu ích giải quyết vấn đề của toàn ngành chăn nuôi.

vt1-1726196290.jpg
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) công bố 8 hạng mục giải thưởng Vietstock Awards 2024.

Vietstock Awards 2024 cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm Vietstock, diễn ra từ ngày 09-11/10/2024 tới tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC - Số 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP.HCM) nhằm thúc đẩy hợp tác, tiến bộ và nuôi dưỡng tinh thần đổi mới trong tất cả các khía cạnh của ngành chăn nuôi.

Theo công bố từ ban tổ chức, Vietstock Awards 2024 sẽ trao 8 hạng mục tặng các doanh nghiệp chăn nuôi tiêu biểu gồm: Công nghệ xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi; Liên kết theo chuỗi giá trị khép kín; Phát triển kinh tế tuần hoàn; Chăn nuôi an toàn sinh học; Sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Sản xuất thiết bị chăn nuôi và Sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Các doanh nghiệp tham gia sẽ được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm tuân thủ pháp luật, quy mô hoạt động, hiệu quả kỹ thuật, trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và liên kết chuỗi giá trị. Hội đồng đánh giá chuyên nghiệp, gồm đại diện từ cơ quan ban ngành, hiệp hội và doanh nghiệp tại Việt Nam, sẽ chấm điểm theo thang điểm 100.

Ban tổ chức Vietstock Awards 2024 tiếp nhận hồ sơ tham gia đến ngày 20/9/2024 và sẽ trao tối đa 30 doanh nghiệp. Đồng thời, Lễ trao giải Vietstock Awards 2024 sẽ diễn ra vào tối 09/10/2024.

Chia sẻ tại lễ công bố giải thưởng Vietstock Awards 2024, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết: "Giải thưởng Vietstock Awards là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của ngành chăn nuôi Việt Nam. Giải thưởng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng trong toàn ngành, vinh danh các doanh nghiệp và tổ chức có đóng góp tích cực cho ngành chăn nuôi Việt Nam".

Cũng theo ông Phạm Kim Đăng, năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi Việt Nam đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta. Với tổng đàn lợn trên 30 triệu con (đứng thứ 5 về tổng đàn, đứng thứ 6 về sản lượng); Gia cầm trên 558 triệu con, trong đó thủy cầm có 103 triệu con (đứng thứ 2 thế giới); Đàn trâu bò trên 8,6 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn (tăng 6,38% so với năm 2022). Sản lượng sữa tươi 1,17 triệu tấn (tăng 3,6%); trứng 19,2 tỷ quả (tăng 5,2%). Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn (đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á). 

vt2-1726196222.jpg
Giải thưởng Vietstock Awards là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 8 năm 2024 ước đạt 46,5 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 324,2 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023.

"Với năng lực đó, sản phẩm chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của hơn 100 triệu dân trong nước, hàng triệu khách du lịch, tạo sinh kế cho gần 10 triệu hộ nông dân mà còn ngày càng nhiều sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu như: yến, sữa và sản phẩm từ sữa xuất sang Trung Quốc; mật ong sang Mỹ, EU; thịt gà chế biến sang Nhật Bản, một số sản phẩm chăn nuôi đang từng bước tiếp cận thị trường Halal..." - ông Đăng nhấn mạnh.

Có thể nói, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong suốt chiều dài lịch sử - đây được xem là lĩnh vực chiến lược, quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội, làm tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Ngành nông nghiệp nước ta đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đã ban hành 05 đề án phát triển ngành chăn nuôi nước ta theo hướng công nghiệp, làm chủ được khoa học công nghệ áp dụng vào trong sản xuất. Bộ NN-PTNT đã ban hành 03 Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giống vật nuôi đến năm 2030, Kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; Kế hoạch phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030. Với mục tiêu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

kp1-31-7-1726196442.jpg
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp luôn được Nhà nước quan tâm và thực hiện.

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp vẫn tiếp tục được nhà nước quan tâm và thực hiện, Chính phủ vừa thông qua Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01/8/2024 Quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi. Ngày 29/8/2024 Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 2972/QĐ-BNN-CN về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực chăn nuôi thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT, trong đó các thủ tục hành chính ban hành trong quyết định này được ban hành tại Nghị định số 106/2024/NĐ-CP. Đây là căn cứ pháp lý tạo điều kiện phát triển chăn nuôi nước ta trong thời gian tới. 

Cùng với đó, nguồn tư liệu bổ sung rất lớn cho sản xuất chăn nuôi là 08 nội dung về đất dành cho chăn nuôi đã được đưa vào Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 01/8/2024). Như vậy, đến thời điểm này có thể khẳng định ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế. Chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng. Nguồn lực từ 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược, từ Nghị định chính sách và tư liệu sản xuất là đất đai đã sẵn sàng là thời điểm và là cơ hội vàng để chuyển đổi ngành theo hướng phát triển bền vững hơn.

Anh Đức