Yên Bái: Cần có biện pháp bảo vệ quần thể khỉ mặt đỏ đang có nguy cơ bị xâm hại

STNN – Theo thông tin của nhân dân thôn Hin Lò xã Yên Thắng huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, gần đây tại thôn Hin Lò và Bản Nghè xã Yên Thắng xuất hiện khoảng 05 cá thể khỉ mặt đỏ xuống gần khu dân cư để tìm kiếm thức ăn và được người dân chụp ảnh, quay video đăng lên mạng xã hội.

Cá thể khỉ mặt đỏ được phát hiện

Phóng viên Tạp chí điện tử Sinh thái Nông nghiệp đã đến thôn Hin Lò để gặp anh Lương Xuân Hè, chủ nhân của các video nơi có cá thể khỉ mặt đỏ xuất hiện. Anh Hè cho biết: Dãy núi Nghè kéo dài từ thôn Hin Lò đến Bản Nghè xã Yên Thắng. Đây là dãy núi đá vôi có chiều dài khoảng 2km diện tích khoảng 900ha, núi có những vách đá cao hàng trăm mét. Vào những năm 90, ở dãy núi này có một đàn khỉ vàng khoảng 10 cá thể và một đàn khỉ mặt đỏ khoảng 30 cá thể mà người dân bản địa ở đây hay gọi là con căng. Nhưng những năm gần đây, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, việc khai thác đá trắng ở núi Nghè khiến môi trường rừng bị tận diệt nên đàn khỉ vàng đã không còn xuất hiện. Gần đây, đàn khỉ mặt đỏ thường xuyên xuất hiện gần bản gồm 04 cá thể đi chung và 01 cá thể thường xuyên đi theo đàn dê nhà anh xuống bản để kiếm ăn.

Rừng bị tàn phá khiến môi trường sống của khỉ mặt đỏ bị thu hẹp

Khi phóng viên gửi video và hình ảnh do người dân cung cấp cho ông Hà Tiến Công – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lục Yên, ông Công cho biết rằng chưa nắm được thông tin này và sẽ cử cán bộ xuống ngay địa bàn để nắm tình hình. Điều đáng nói là hàng năm, Hạt kiểm lâm huyện Lục Yên đều có văn bản chỉ đạo các địa phương bảo vệ các loại thú rừng quý hiếm nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cấm săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép… trong khi ngay tại nơi đây xuất hiện loài động vật quý hiếm, người dân biết, mạng xã hội biết thì kiểm lâm lại không nắm được.

Phóng viên đã trao đổi với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một người đi tiên phong với nhiều giải thưởng lớn trong điều tra báo chí và xử lý các vấn đề bảo tồn trong lĩnh vực bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam, ông cho biết: Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đây là giống Khỉ mặt đỏ có tên khoa học là Macaca arctoides, là loài thuộc nhóm IIB – Nhóm loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác và sử dụng. Bi kịch mà loài này đang gặp phải ở Lục Yên là đáng tiếc, những kẻ gây ra điều này cần phải bị lên án, xử lý nghiêm.

Theo số liệu được đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBND huyện Lục Yên thì diện tích rừng tự nhiên của huyện hiện nay còn 18.315ha trong đó diện tích rừng sản xuất là 3.042ha, rừng phòng hộ là 15.273ha. Tuy nhiên, theo người dân phản ảnh thì diện tích rừng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp do một số hộ dân lấn chiếm để trồng rừng sản xuất và việc khai thác tài nguyên đá trắng đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường sinh thái rừng ở Lục Yên.

Để bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và quần thể khỉ mặt đỏ ở địa bàn huyện Lục Yên, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Yên Bái cần đẩy mạnh các các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc bảo vệ động vật hoang dã: Cấm các hành vi xâm hại đến môi trường rừng, bảo vệ hiệu quả đa dạng sinh học rừng, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người dân vùng có rừng, các khu rừng phòng hộ đầu nguồn; Cấm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm (săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã, bộ phận cơ thể và sản phẩm của chúng) và các hành vi vi phạm khác liên quan động vật hoang dã; Vận động người dân tố giác các hành vi vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền; Xử ký nghiêm các hành vi xâm hại đến môi trường sinh thái rừng để bảo tồn các loại động vật quý hiếm và các nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng.

Lưu Đức Huấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây