STNN - Người Nhật rất yêu quý loài mèo. Ở Nhật Bản, có quán cà phê mèo, đền thờ mèo và du lịch mèo. Thậm chí, còn có chủ nhà ga xe lửa mèo, ngày mèo (22 tháng 2) và đảo mèo.
Một phần quan trọng trong văn hóa dân tộc Nhật Bản
Ở Nhật Bản, mèo sống cùng người dưới một mái nhà và nhận được sự chăm sóc, quan tâm tỉ mỉ từ người chủ. Có rất nhiều sản phẩm và dịch vụ dành cho mèo. Có thể nói, mèo chiếm vị trí khá quan trọng trong cuộc sống của người Nhật. Loài mèo dần hòa nhập vào văn hóa Nhật Bản, hình thành nên “văn hóa mèo” độc đáo và trở thành một phần quan trọng trong văn hóa dân tộc Nhật Bản.
Mặc dù có rất nhiều người thích mèo trên khắp thế giới, nhưng vẫn có rất ít người thể hiện tình yêu của mình đối với mèo trong mọi khía cạnh của cuộc sống như người Nhật.
Đường Miêu
Câu chuyện bắt đầu từ năm 630 đến năm 838, khi đó Nhật Bản đã 16 lần cử sứ thần đến nhà Đường (cũng có thuyết nói 20 lần). Các sứ thần Nhật Bản bấy giờ sang nhà Đường trên danh nghĩa là sứ thần triều cống, nhưng thực chất là lưu học sinh. Họ đều là những nhân tài được tuyển chọn kỹ lưỡng, mục đích là để tìm hiểu mọi thứ về nhà Đường: từ luật lệ, nghề thủ công, công nghệ, đến văn học và tôn giáo. Ngoài ra, họ cũng mua một số lượng lớn hàng hóa, sách và đồ thủ công… của nhà Đường mang về Nhật Bản. Để ngăn lũ chuột cắn phá kinh sách, hàng hóa, sứ thần Nhật Bản cũng đã mang theo trên hành trình trở về quê hương những chú mèo.
Điều này được ghi lại trong "Kōjien", một trong những cuốn từ điển nổi tiếng nhất ở Nhật Bản xuất bản lần đầu tiên vào năm 1955. Cuốn từ điển này được nhiều người coi là từ điển có uy tín nhất của Nhật, các bài xã luận trên báo chí Nhật Bản thường trích dẫn các định nghĩa từ đây.
Vào thời kỳ đầu khi mèo mới du nhập vào Nhật Bản, do số lượng hạn chế và trách nhiệm nặng nề trong việc bảo vệ kinh sách khỏi loài gặm nhấm, cho nên trong thời kỳ Nara, chỉ có hoàng gia mới có quyền nuôi mèo. Cũng chính vì điều này, dân tộc Nhật Bản lúc bấy giờ, đã đối xử với loài mèo một cách vô cùng sùng bái và ngưỡng mộ.
Trong "Truyện kể về Genji”, một trường thiên tiểu thuyết của Kiyosho Nayan và Murasaki Shikibu, những mô tả về mèo cũng xuất hiện. Trong "Gối cỏ" có nói, mèo yêu quý của Nhật hoàng được phong chức vị cao, thân phận còn cao quý hơn rất nhiều người.
Trong tiếng Nhật, có một câu nói rằng: "Thần và Phật đều được tôn thờ", có nghĩa là các đền thờ và chùa viện đều tôn thờ các vị thần theo tín ngưỡng của mình. Nhưng mèo được thờ ở các điện thờ khác nhau, vậy có thể nói, mèo có địa vị phi phàm trong các vị thần. Từ xưa đến nay, mèo luôn được xem trọng trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản, người dân tôn thờ mèo như thần linh, khắp nơi đều có đền thờ mèo.
Mèo chiêu phúc
Chùa Gotokuji tọa lạc tại một khu dân cư yên tĩnh thuộc quận Setagaya, Tokyo. Sự nổi tiếng của chùa, là do có hàng ngàn con "Mèo chiêu phúc" trong "Chiêu phúc điện”. Theo truyền thuyết, khi Ii Naotaka đi săn, trên đường trở về, ông đi ngang qua đây và nhìn thấy một con mèo trắng đang vẫy tay với mình, ông đã làm theo chỉ dẫn của con mèo và bước vào ngôi đền một cách hờ hững. Khi ông vừa bước chân vào trong, ngoài trời bỗng đổ mưa tầm tã. Thấy con mèo trắng đã cứu mình khỏi cảnh bị dầm mưa, Naotaka vô cùng cảm động nên bắt đầu thờ chú mèo may mắn.
Viện Shōsō-in Nhật Bản, tức là Shosoin trong chùa Todaiji ở Nara Nhật Bản, là kho tàng để cất giữ các bảo vật của chùa, được xây dựng vào thời Nara vào giữa thế kỷ thứ 8. Shosoin của Nhật Bản có một bộ sưu tập quần áo, đồ nội thất, nhạc cụ, đồ chơi, vũ khí và các báu vật khác, với tổng số khoảng 9.000 món đồ. Hơn một nửa số báu vật trong Shosoin ở Nhật Bản đến từ Trung Quốc, Triều Tiên…, những báu vật xa nhất là từ Ba Tư. Thậm chí, có câu nói rằng: "Shosoin là điểm cuối của Con đường tơ lụa".
Mèo khai vận
Theo truyền thuyết, Thiên hoàng Shōmu rất ngưỡng mộ "nền văn minh thịnh vượng của nhà Đường", vì vậy ông đã thu thập nhiều đồ vật tinh xảo của nhà Đường và giữ những con mèo do các sứ thần của ông mang về từ nhà Đường. Sau khi Ngài mất, Hoàng hậu Kômyôshi đã mang những đồ vật Ngài đã ngự dùng lúc còn sống, hiến vào chùa Todaiji. Những đồ vật đó được lưu trữ trong nhà kho phía bắc của viện Shosoin. Để tránh trông thấy vật lại nhớ đến người, cũng vì để bảo vệ những thứ mà Thiên hoàng Shōmu yêu thích một cách tốt nhất, Hoàng hậu Kômyôshi mang con mèo mà Thiên hoàng yêu quý, gửi nuôi tại viện Shosoin. Trụ trì lúc đó quý nó lắm, coi nó như máu thịt, đặt tên cho mèo là " Fuku" (Phúc).
Nhiều năm sau, sư trụ trì mắc bệnh hiểm nghèo, ông linh cảm rằng thời gian của mình không còn nhiều, nhưng ông không thể an tâm để Fuku trong chùa mà không ai chăm sóc. Đêm đến, sư trụ trì ráng gắng hết sức lực ốm yếu của mình để cầu nguyện, hy vọng rằng Fuku có thể tìm lại được người thực sự yêu thương nó. Tất cả những lời cầu nguyện đều được Fuku lắng nghe. Từ sau hôm đó, sức khỏe của vị trụ trì bắt đầu cải thiện, dần bình phục.
Sau này, câu chuyện được lưu truyền trong dân gian đã diễn biến thành chuyện “Con mèo khai vận Shosoin” với năng lực thần hoá, chủ yếu là thu hút vận may, bảo vệ vận may, mở ra vận may, trung chuyển, và các khả năng thần thoại khác…
Mặc dù truyền thuyết về “Mèo chuyển vận” và “Con mèo khai vận Shosoin” chỉ là một hình thức văn học folklore được lan truyền trong công chúng, nhưng mọi người vẫn coi đây là cách để tạo nên những hình mẫu lý tưởng với mèo là nhân vật chính. Điều này cho thấy, đất nước Nhật Bản thích sử dụng mèo để thể hiện những lý tưởng và quyết tâm theo đuổi những mục tiêu khó có thể thực hiện được trong cuộc sống thực.
Con mèo thời hiện đại
Mãi đến thời Minh Trị, việc nuôi mèo mới trở nên phổ biến và được ưa chuộng, theo thống kê vào thời điểm đó, chỉ riêng ở Tokyo đã có 25.568 con mèo. Kể từ đó, cuộc sống của người Nhật gắn bó mật thiết với mèo, và một số lượng lớn từ vựng liên quan đến mèo đã được tạo ra trong cuộc sống hàng ngày.
Ở thời hiện đại, tình yêu dành cho mèo của người Nhật còn được thể hiện ở một khía cạnh khác, đó là phim hoạt hình. Tiêu biểu nhất là chú mèo béo tên “Doraemon” đến từ thế giới tương lai với siêu năng lực có thể giúp trẻ em thực hiện được ước nguyện của mình.
Ngoài hoạt hình, còn có các chú mèo Lucky Cat, Hello Kitty. Đặc biệt, khi nhịp sống ngày càng đẩy nhanh và áp lực công việc ngày càng cao, những “quán cà phê mèo” cũng trở nên phổ biến ở nhiều thành phố của Nhật Bản. Sự khác biệt duy nhất giữa quán cà phê mèo và những quán cà phê bình thường khác là ở đó có rất nhiều mèo. Khách đến đây có thể vuốt ve những chú mèo trong khi uống cà phê, để thư giãn cả về thể chất và tinh thần trong một môi trường yên tĩnh và thanh bình.
Ngày nay, mèo đã trở thành một thành viên trong các gia đình Nhật Bản và có ảnh hưởng rất quan trọng trong đời sống của người Nhật. Ước tính có gần 8 triệu con mèo ở Nhật Bản. Trừ mèo hoang, mèo được đối xử rất tốt: có bệnh viện, nhà tắm, khách sạn cho mèo, mèo chết thì có tang lễ mèo, mồ mả cho mèo. Ngoài ra, cuộc thi mèo đẹp được tổ chức khoảng một tháng một lần.
Văn hóa mèo xuất hiện trong tác phẩm văn học và đời sống xã hội Nhật Bản
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, mèo là con vật giao tiếp với các vị thần. Tính cách trầm lặng của loài mèo khiến người Nhật đặc biệt yêu quý chúng. Giống như mèo, người Nhật không thích môi trường ồn ào, không thích những người khác đoán suy nghĩ của họ. Lý do họ thích mèo là vì chúng thanh lịch và yên tĩnh.
Đã có khá nhiều tác phẩm về mèo, và "cơn sốt yêu mèo" điên cuồng ở Nhật Bản dù đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu tính số sách xuất bản trong 10 năm qua ở Nhật, có tổng cộng khoảng 3.800 đầu sách về Phật giáo, khoảng 3.400 đầu sách về bóng chày, khoảng 2.100 đầu sách về bóng đá, khoảng 3.800 đầu sách về rượu; và số sách về mèo cao hơn nhiều so với những đề tài khác, với khoảng 5.400 đầu sách. Như vậy, có thể nói, người Nhật dường như quan tâm đến mèo hơn cả tôn giáo, thể thao hay rượu.
Vì sao người Nhật ngày càng yêu mèo?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến làn sóng yêu mèo này là do hoàn cảnh xã hội ở Nhật Bản đang thay đổi. Đối với người Nhật, những chú mèo đã trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng là tỷ lệ sinh giảm, các gia đình nhỏ ngày càng phổ biến. Mèo không chỉ được coi là thú cưng mà còn được coi là thành viên trong gia đình và ngày càng được coi trọng.
Mặt khác, kể từ năm 2011, số lượng mèo đã dao động quanh mức 10 triệu con (hoặc tăng nhẹ). Về số lượng mèo được nuôi, không có dữ liệu được thu thập trong một thời gian dài như thống kê dân số, vì vậy không thể nói chắc chắn, nhưng có vẻ như khoảng cách giữa "số con" và "số lượng mèo nuôi" đang dần thu hẹp. Nói thẳng ra, đó là “dân số giảm nhưng mèo giảm không nhiều nên sự hiện diện của mèo trong xã hội loài người lại tăng lên”.
Chử Cường