Ai đang lấy đi lương thực của chúng ta?

STNN – Kể từ sau khi Nga – Ukraine xảy ra xung đột, nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực. Đặc biệt, tại một số nước nhỏ của châu Phi và Trung Đông đã xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo thiếu lương thực trầm trọng.

Hình minh họa

Phương thức “siêu doanh nghiệp” trong vận hành hệ thống lương thực

Mới đây, tạp chí “Foreign Policy” của Mỹ đã đăng một bài báo của nhà khoa học về cây trồng – Sarah Taber, bài báo đã đưa ra lý do tại sao chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng lương thực.

Theo Sarah Taber, trên thực tế, kể từ khi loài người bước vào thời đại công nghiệp, do sự tiến bộ của công nghệ nông nghiệp, nhìn từ tổng lượng lương thực được sản xuất ra trên thế giới, chúng ta không thiếu lương thực.

Ngay cả khi Nga, Ukraine hạn chế xuất khẩu ngũ cốc thì thế giới thực sự cũng không thiếu ngũ cốc. Chỉ là do hệ thống lương thực hiện tại ở các nước phương Tây, dẫn tới lương thực toàn cầu phân bố mất cân bằng. Có sự khác biệt về lợi ích của các công ty lương thực với những người thực sự cần lương thực. Do vậy, ngay khi gặp phải vấn đề xung đột như Nga và Ukraine, các nước trên thế giới rất dễ xảy ra khủng hoảng lương thực.

Cụ thể hơn, Sarah Taber tin rằng, tai họa của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay, kỳ thực là do các nước phát triển lấy phương thức “siêu doanh nghiệp” để vận hành hệ thống lương thực.

Một số lượng lớn thực phẩm được sản xuất tập trung và công nghiệp hóa đã phá vỡ hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu, khiến một số quốc gia vừa và nhỏ trở nên phụ thuộc vào các doanh nghiệp lương thực quy mô lớn ở các nước phát triển hoặc các nước đang phát triển bị kiểm soát bởi vốn và một khi các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong xuất khẩu ngũ cốc thì sẽ dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Có nghĩa là, trước khi công nghiệp hóa nông nghiệp, nhu cầu lương thực của tất cả các nước trên thế giới kỳ thực là phân tán và tương đối độc lập, cho dù có gặp phải các loại thiên tai địch họa thì cũng có thể vượt qua. Nhưng hiện nay, phương Tây đang tiến hành các hoạt động trồng lương thực quy mô siêu lớn theo phương thức công nghiệp hóa, điều này trong thời bình đã triệt tiêu hệ thống cung cấp lương thực vốn có của các nước vừa và nhỏ.

Vì sao hoạt động trồng lương thực quy mô siêu lớn triệt tiêu hệ thống cung cấp lương thực vốn có của các nước vừa và nhỏ?

Logic rất đơn giản. Khi các nước đang phát triển vẫn đang áp dụng mô hình kinh tế nông dân quy mô nhỏ tương đối lạc hậu và vận hành hệ thống lương thực của riêng mình, thì các nước phát triển như Hoa Kỳ và Anh đã tận dụng ưu thế vốn để thực hiện các hoạt động trồng quy mô lớn tại bản thân nước họ và các quốc gia khác.

Chi phí của phương thức sản xuất lương thực này thấp hơn so với mô hình kinh tế nông dân nhỏ, dẫn đến giá lương thực quốc tế giảm, làm ảnh hưởng đến việc trồng ngũ cốc ở các nước vừa và nhỏ. Cuối cùng, nhiều nước vừa và nhỏ đã dừng trồng cây lương thực lại và chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn.

Một khi xung đột xảy ra và chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn, tác hại của việc phụ thuộc vào lương thực của nước lớn đã nhanh chóng hiện ra.

Một mặt, giá cả tăng cao gây áp lực lên các nước quy mô vừa và nhỏ phải nhập khẩu ngũ cốc. Mặt khác, các công ty kinh doanh nông sản quy mô lớn, những người đã tích trữ một lượng lớn ngũ cốc, có thể sử dụng chiến tranh để tích trữ, thổi phồng cuộc khủng hoảng lương thực và tăng giá ngũ cốc, tối đa hóa lợi ích.

Sarah Taber cho rằng, cách vận hành hệ thống lương thực này của các công ty đa quốc gia là cực kỳ có hại cho việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ví dụ, một số công ty ngũ cốc ở Hoa Kỳ vẫn đang sử dụng ngô và các loại cây ngũ cốc khác với số lượng lớn để sản xuất cái gọi là “năng lượng sạch”, nhưng một số nước nhỏ ở châu Phi và Trung Đông thậm chí không có lương thực để tự cung tự cấp.

Lý do cơ bản: Sự khác biệt lớn về lợi ích giữa các công ty trồng ngũ cốc và người tiêu dùng cần ngũ cốc

Đối với một số công ty lương thực lớn của phương Tây, việc vận chuyển ngũ cốc đến bán cho Trung Đông và châu Phi không dễ và nhanh kiếm tiền bằng trực tiếp biến nó thành nhiên liệu sinh học, và họ chọn cách có lợi.

Đồng quan điểm này, Sarah Taber cho rằng các nước trên thế giới nên xây dựng một hệ thống thực phẩm đa dạng, để các nước đang phát triển có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào các “doanh nghiệp siêu thực phẩm” của các nước phát triển.

Thương mại ngũ cốc quốc tế là một điều tốt, nó có thể giúp các quốc gia trên thế giới giao thương với nhau và giảm chi phí lương thực nhiều nhất có thể. Mục đích của thương mại là làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn, chứ không chỉ để tạo ra lợi nhuận cho các công ty thực phẩm. Chỉ bằng cách duy trì khái niệm này, thế giới mới có thể đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực dễ dàng hơn…

Chử Cường (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây