Là tỉnh nằm ở cuối miền Tây Nam Bộ nhưng An Giang được thiên nhiên ban tặng những nét riêng biệt so với vùng châu thổ với núi, rừng và đồng bằng đan xen tạo nên bức tranh muôn màu, phong phú, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái ngập nước.
Vùng Bảy Núi gồm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thời trước hoang vắng, đi lại cách trở khó khăn, nhưng theo thời gian đã được khai thác thành vùng tiềm năng du lịch. Bảy Núi có rừng và nhiều ngọn núi nổi tiếng cuốn hút du khách như núi Cấm, núi Cô Tô, núi Anh Vũ… Bảy Núi còn có hệ thống rừng sinh thái ngập nước hoang sơ níu kéo chân người với rừng tràm Trà Sư và rừng tràm Tân Tuyến.
Xây dựng rừng tràm Trà Sư thành điểm du lịch đẳng cấp
Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, giai đoạn 2021-2030” nhằm đưa rừng tràm Trà Sư thành địa điểm du lịch vươn tới đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên tuy mới đưa vào khai thác du lịch gần đây, nhưng đã trở thành điểm đến không thể thiếu khi du khách đến An Giang vui chơi, giải trí. Mỗi năm, khi chưa có dịch Covid-19 nơi đây đón hàng ngàn lượt du khách và lượng khách tăng đều qua từng năm. Trà Sư thu hút du khách bởi còn giữ nguyên sơ hệ sinh thái đất ngập nước có hàng ngàn cá thể của nhiều quần thể chim, cá, loài lưỡng cư, loài bò sát và côn trùng quý hiếm sinh sống. Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 với diện tích 1.050 ha.
Để đưa rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến đạt tầm quốc gia và quốc tế, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án nêu trên, trong đó coi trọng việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhằm góp phần bảo tồn rừng đặc dụng và phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, sau khi đề án được phê duyệt, sẽ lập dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Và giai đoạn 2022-2023, thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; từ năm 2024 bắt đầu triển khai hoạt động du lịch.
Các loại hình và sản phẩm du lịch sinh thái tại rừng tràm Trà Sư gồm tham quan các sinh cảnh rừng tràm và đất ngập nước bằng xuồng chèo tay. Trên đường tham quan, du khách được xem, nghe giới thiệu về đất ngập nước và tài nguyên đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước. Du khách được tham quan phòng diễn giải môi trường, trong đó được giới thiệu các mẫu vật tài nguyên sinh vật trưng bày của khu rừng đặc dụng Trà Sư, nghe giới thiệu về các khu rừng đặc dụng, phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang quản lý (vùng Bảy Núi, núi Sam, núi Sập), về hệ sinh thái đồi núi duy nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sinh viên, học sinh đến đây, còn được nghe giảng dạy ngoại khóa về hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng tràm, tài nguyên động thực vật và các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên ở rừng đặc dụng Trà Sư.
Bên cạnh các dịch vụ du lịch và hạ tầng xây dựng gồm nơi tham quan rừng và đất ngập nước; trong khu nhà diễn giải môi trường sẽ bố trí một gian để trưng bày và bán đồ lưu niệm, các sản phẩm được sản xuất, chế biến bằng nguyên-vật liệu của địa phương, các đặc sản tiêu biểu của rừng đặc dụng Trà Sư và của tỉnh. Du khách trải nghiệm tự nấu các món ăn truyền thống bằng nguyên liệu đặc sản của An Giang và tìm hiểu về nguồn gốc thực phẩm, nghệ thuật ẩm thực và giá trị dinh dưỡng.
Đánh thức rừng tràm Tân Tuyến
Cách rừng tràm Trà Sư vài chục km là rừng tràm Tân Tuyến thuộc huyện Tri Tôn cũng đang từng bước hấp dẫn du khách về với tự nhiên. Tân Tuyến có điểm riêng biệt là dạng rừng tràm và đồng cỏ ngập nước theo mùa tiêu biểu của vùng Tứ giác Long Xuyên.
UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến giai đoạn 2021-2030. Theo UBND tỉnh, việc bảo vệ và phát triển rừng sẽ giúp bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học phục vụ dịch vụ du lịch, góp phần phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có diện tích hơn 256 ha là khu rừng đặc dụng của hệ sinh thái đất ngập nước với các sinh cảnh đất ngập nước điển hình của tỉnh An Giang và vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong đó, sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa. Qua khảo sát nghiên cứu, rừng có 154 loài thực vật, thuộc 122 chi, 52 họ của 2 ngành thực vật bậc cao; có 63 loài chim nước, trong đó loài chim sẻ đồng ngực vàng là loài quý, hiếm; có 82 loài cá thuộc 26 họ và 9 bộ. Đặc biệt khu vực này có sự xuất hiện của các loài cá có tên trong Sách đỏ như cá hô và cá trà sóc.
Theo đề án, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là một khu rừng đặc dụng, các loại hình du lịch sinh thái có thể thực hiện ở khu này, bao gồm tham quan sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước; giải trí, thư giãn trong môi trường rừng yên bình, trong lành; khám phá các đặc trưng tiêu biểu của tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học về rừng tràm và đất ngập nước, nhất là các sinh cảnh đồng cỏ ngập nước theo mùa; trải nghiệm các nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực truyền thống của cộng đồng địa phương.
Các phân khu chức năng của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 81,85 ha; phân khu phục hồi sinh thái 94,06 ha; phân khu dịch vụ-hành chính 80,48 ha. Trong giai đoạn 10 năm, đến năm 2030, chiến lược phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là một trong những hoạt động chủ yếu của Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang. Đây vừa là hoạt động bảo tồn thiên nhiên, vừa góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Theo UBND tỉnh An Giang, nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là không đánh đổi hệ sinh thái rừng tràm, đất ngập nước và tài nguyên thiên nhiên lấy giá trị kinh tế. Lượng khách phải hợp lý, không làm quá tải gây tác động đến hệ sinh thái; phải duy trì được tính “thiên nhiên” của khu rừng ngập nước. Đây cũng chính là căn cứ để chọn các nhà đầu tư thực sự có các sản phẩm du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên. Nhà đầu tư cần phải thiết lập các sản phẩm du lịch sử dụng giá trị độc đáo, điển hình của hệ sinh thái rừng tràm và đất ngập nước, chứa đựng các giá trị tiêu biểu của vùng Tứ giác Long Xuyên thông qua phương thức sử dụng tài nguyên và cảnh quan du lịch sinh thái.
Việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng du lịch tại đây phải theo thiết kế kiến trúc hiện đại, kiểu dáng công trình phù hợp với bảo tồn và tôn vinh cảnh quan thiên nhiên của một khu rừng tràm đất ngập nước đặc dụng bảo đảm sự hài hòa về trách nhiệm và lợi ích giữa nhà đầu tư với chủ rừng và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Các loại hình du lịch được đầu tư phát triển trong rừng đặc dụng theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, gồm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí, nhưng các sản phẩm du lịch phải đa dạng và chứa đựng bản sắc văn hóa của địa phương An Giang nói riêng và vùng Tứ giác Long Xuyên nói chung…
Theo Nhân dân