Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

STNN – Bên cạnh bài chòi Thủy Thanh – một phần của bài chòi Thừa Thiên Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hiện, trên địa bàn thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) có 15 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó, có 5 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, tại Hương Thủy còn có hơn 130 công trình kiến trúc có giá trị khác.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đình Lương Văn (làng Lương Văn, P. Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế).

Trong quá trình triển khai thực hiện đề án “Khảo sát, thống kê hệ thống di tích lịch sử, công trình có giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh”, Hương Thủy tiến hành khảo sát gần 150 địa điểm có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Qua kiểm kê, phát hiện nhiều hiện vật có giá trị đề xuất đưa danh mục bảo vệ với trên 600 hiện vật, thẩm định sơ bộ phát hiện hơn 100 hiện vật có niên đại trên 100 năm tuổi cùng nhiều hiện vật có giá trị khác.

Để bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống cháy, nổ; chống xuống cấp; phòng, chống bão, lụt tại các di tích; tổng kiểm kê hiện vật có giá trị tại các di tích, hàng năm, thực hiện Nghị quyết 18/NQ-HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn, Hương Thủy còn quan tâm bố trí nguồn kinh phí trùng tu, sửa chữa những di tích xuống cấp, xây dựng sản phẩm tham quan, trải nghiệm tại các di tích; mỗi di tích đều thành lập ban quản lý…

Theo bà Cái Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin thị xã Hương Thủy, từ hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn cùng những quan tâm đầu tư của thị xã, của tỉnh, qua thời gian triển khai, Hương Thủy thực hiện được nhiều phần việc ý nghĩa mà gần đây nhất, trong năm 2022, với nguồn vốn trung hạn của tỉnh và thị xã, đã sửa chữa, trùng tu di tích đình Hòa Phong (tổng kinh phí 2 tỷ đồng); cụm di tích đình, chùa Thủy Dương (1,5 tỷ đồng); di tích lịch sử lưu niệm sự kiện Lùm Chánh Đông (1,3 tỷ đồng); chỉnh trang khuôn viên di tích Chiến khu Dương Hòa (2 tỷ đồng); hiện, Hương Thủy đã tham mưu lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích đối với nhà thờ họ Lê Bá Thúc Quý.

Trước đó, năm 2021, Hương Thủy có 2 di tích là Lùm Chánh Đông và đình Lương Văn được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến hiện tại, hiếm địa phương nào trên toàn tỉnh trong 1 năm có 2 di tích được công nhận. Điều này khẳng định sự quan tâm và tính hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật trên địa bàn mà thị xã Hương Thủy đã và đang triển khai.

Đáng chú ý, ý thức bảo vệ, gìn giữ tài sản quý cha ông để lại còn lan tỏa đến từng người dân. Minh chứng là người dân làng Thần Phù (phường Thủy Châu) đã đóng góp hơn 900 triệu đồng để trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Hay một người dân xã Thủy Phù (hiện sinh sống ở Đồng Nai) đồng ý hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để xây tường rào bảo vệ khu rừng nguyên sinh khoảng 17ha – một địa điểm tuy không phải là di tích nhưng được chính quyền, người dân nơi đây đang ngày đêm ra sức bảo vệ.

“Song song với công tác bảo tồn, nhiều trường học trên địa bàn thị xã thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện cho học sinh tham quan, tìm hiểu những di tích văn hóa, cách mạng, lịch sử trên địa bàn, như: Chiến khu Dương Hòa, cầu ngói Thanh Toàn, Đền thờ 27 liệt sĩ Ấp Tư – Mỹ Thủy… Một mặt giúp học sinh hiểu rõ hơn, tự hào hơn cùng ý thức gìn giữ những giá trị quý báu của cha ông để lại; mặt khác, câu chuyện về những nơi đến sau chuyến đi của học sinh với bạn bè, người thân chính là “kênh quảng bá” hiệu quả, giúp những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Hương Thủy lan tỏa rộng hơn”, bà Duyên cho hay.

Thanh Đoàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây