Bè nổi thủy sinh xử lý nước ô nhiễm

STNN – Tận dụng những chai nhựa tái chế để tạo thành những chiếc bè hình lục giác nổi trên mặt nước có thể lọc nước ô nhiễm tại các con sông, hồ, ao… là sản phẩm sáng tạo, góp phần làm sạch môi trường.

Mô hình làm sạch nước ô nhiễm của nhóm học sinh cấp 2 trường huyện xứ Thanh.

Hiện nay, có rất nhiều sông, hồ trong khu cư dân đang bị ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Điều đó không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn làm xấu cảnh quan xung quanh. Để cải thiện nguồn nước ô nhiễm trên, có rất nhiều giải pháp khác nhau đã được áp dụng. Tuy nhiên, các giải pháp đó chỉ giải quyết được vấn đề trong một thời gian ngắn, đồng thời, phải tốn kém nhiều chi phí. Chính vì thế, nhóm học sinh trung học phổ thông của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có ý tưởng chế tạo một chiếc bè lọc nước bằng công nghệ sinh học. Theo đó, nhóm đã tận dụng những chai nhựa tái chế để tạo thành những chiếc bè hình lục giác nổi trên mặt nước.

Những chiếc bè hình lục giác này được “phủ xanh” bởi các loài cây thủy sinh như: thủy trúc, rau muống, cỏ nến, lục bình… Bộ rễ của chúng sẽ là những “nhà máy xanh mini” lọc nước liên tục, góp phần cải thiện nguồn nước. Ngoài ra, trên bè này, chúng ta có thể chủ động nuôi các loài động vật nhuyễn thể như trai hai mảnh có khả năng lọc nước liên tục.

Nhằm gia tăng tác dụng của bè lục giác, nhóm tác giả đề tài còn tích hợp hệ thống pin năng lượng Mặt Trời để bổ sung một số tính năng khác, như: hệ thống máy bơm trên bè để lọc nước qua các tầng lọc cát, sỏi, than hoạt tính; máy bơm sục khí để gia tăng nồng độ ôxy trong nước; hệ thống chân vịt điều khiển từ xa để có thể biến chiếc bè thành phao cứu sinh di động trong các trường hợp khẩn cấp; hệ thống loa âm thanh giúp tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường tới người dân…

Đặc biệt hơn, nhờ có thiết kế hình lục giác, việc ghép nối từng chiếc bè riêng rẽ thành các bè lớn hơn với nhiều hình dạng trở nên dễ dàng. Thậm chí, có thể ghép các bè đơn để tạo thành dòng chữ mang theo các thông điệp ý nghĩa. Bè được tích hợp hệ thống đèn led tự động, bật sáng vào ban đêm giúp cảnh quan thêm sinh động.

Nhằm giúp giảm “gánh nặng” cho môi trường, vật liệu dùng làm bè nổi là vật liệu tái chế, tận dụng phế thải trong cuộc sống. Để có đủ vỏ chai nhựa dành cho thực nghiệm, nhóm đã tự đóng góp tiền mua những chậu cây xanh xinh xắn và tổ chức chương trình đổi vỏ chai nhựa lấy chậu cây; cây thủy canh được chọn để thả trên bè là cây có sẵn trong thiên nhiên…

Có thể nói, tình yêu khoa học, yêu môi trường là điều đã kết nối, đã gắn kết các bạn trẻ. Giải Nhất – Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2022 là phần thưởng xứng đáng, là động lực tiếp thêm cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường tới cộng đồng.

Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế góp phần lọc nước ô nhiễm tại các con sông và tạo cảnh quan trong khu dân cư, đô thị được thực hiện bởi nhóm học sinh Nguyễn Thùy Linh, Hà Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Hải Anh (Trường THPT Hoằng Hóa 4) và Trịnh Nguyên Thành (Trường THPT Lương Đắc Bằng) huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là 01 trong 05 sản phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2022.

Khánh Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây