Trong một nỗ lực để giúp các công trình bờ biển bền vững hơn, một công ty khởi nghiệp của Israel có tên ECOncrete đã đưa ra một loạt các sản phẩm có thể làm giảm lượng khí thải carbon của bê tông và thu hút sinh vật biển.
Mực nước biển dâng cao đang thúc đẩy các giải pháp phòng chống lũ lụt. Tuy nhiên, vật liệu chính được sử dụng trong nhiều tường chắn nhân tạo là bê tông, có thể gây ra chi phí rất lớn cho khí hậu và đe dọa các loài sinh vật biển.
Trên thực tế, các công trình xây dựng sử dụng bê tông trên các đường bờ biển mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, với các công trình như tường chắn biển, đê chắn sóng và bến cảng bảo vệ môi trường sống của con người. Nhưng hầu hết các loài sinh vật biển cũng sống gần bờ, và những cấu trúc nhân tạo này có thể phá hỏng hệ sinh thái của những sinh vật biển đang phụ thuộc vào.
Ido Sella, đồng sáng lập kiêm CEO của ECOncrete cho biết: 70% công trình ven biển trên thế giới làm bằng bê tông. Bê tông có thể làm rò rỉ các chất hóa học khiến khu vực nước xung quanh có tính kiềm hơn, khiến một số loài sinh vật biển khó sống hơn. Với bề mặt nhẵn, phẳng của các cấu trúc như bức tường chắn sóng biển khiến các sinh vật như tảo, hàu và vẹt đuôi dài khó bám vào.
ECOncrete sản xuất các chất phụ gia có thể trộn với bê tông để phù hợp với sự cân bằng hóa học của nước biển. Công ty này cũng sản xuất các khối và tấm để phòng thủ trên biển mô phỏng hình dạng và kết cấu của các thành tạo đá nằm ở mực nước biển. Theo đó, các đường nứt nhỏ trên bề mặt của chúng tạo cho ấu trùng có nơi định cư và phát triển, trong khi mặt bên nhấp nhô và những hố trũng nông giữ lại nước biển giống như hồ thủy triều nhỏ.
Sản phẩm của ECOncrete đã được lắp đặt tại hơn 35 địa điểm trên khắp thế giới trong 8 năm qua, bao gồm thành phố New York, Rotterdam và Monaco. Chúng có thể tăng gấp đôi tính đa dạng sinh học so với bê tông truyền thống. Điều này cho phép thế hệ tiếp theo của các sinh vật phát triển trên bề mặt và thu hút các sinh vật biển khác, khởi động một hệ sinh thái tự duy trì.
Giảm phát thải CO2
Theo tổ chức nghiên cứu Chatham House, ngoài việc gây hại cho cuộc sống đại dương, xi măng - vật liệu kết dính hỗn hợp bê tông với nhau còn là nguyên nhân gây ra tới 8% lượng khí thải carbon trên thế giới.
ECOncrete cho biết, các chất phụ gia của nó làm giảm lượng xi măng cần thiết trong hỗn hợp bê tông, giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, một số nhà sinh thái học cảnh báo rằng các công trình nhân tạo không thể tái tạo toàn bộ lợi ích sinh thái của các đường bờ biển tự nhiên.
Kết quả tích cực
Kenneth Leung, giáo sư sinh thái về tài nguyên nước của Đại học Hồng Kông nhận định rằng tại các thành phố ven biển đông dân cư được bao quanh bởi biển, công nghệ của ECOncrete là một giải pháp kỹ thuật sinh thái hấp dẫn.
Năm 2018, nhóm của Leung đã lắp đặt hồ thủy triều, khối giáp và tấm tường biển của ECOncrete trên các địa điểm trên bờ biển Hồng Kông, như một phần của thử nghiệm do Chính phủ tài trợ nhằm tăng cường đa dạng sinh học trên các bờ biển nhân tạo.
Cho đến nay, kết quả mang lại rất khả quan. Ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi sóng mạnh và lũ lụt, các giải pháp thay thế bê tông phải đủ bền để đáp ứng các quy định an toàn và kéo dài ít nhất 20 hoặc 30 năm.
Sella, có trụ sở tại Tel Aviv, nói rằng các sinh vật sống trên bề mặt của ECOncrete có thể làm cho cấu trúc trở nên mạnh mẽ hơn theo thời gian. Khi chúng lắng đọng trên bề mặt, chúng bao phủ bề ngoài bê tông bằng một lớp canxi cacbonat, một trong những thành phần chính của vỏ sò, giúp bê tông không bị nứt và có thể tăng độ bền kéo của nó lên gấp 10 lần.
Mặc dù vật liệu này đắt hơn tới 15% so với bê tông tiêu chuẩn, song vật liệu bảo vệ sinh học này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho các nhà phát triển về lâu dài, vì cơ sở hạ tầng ít yêu cầu bảo trì hơn.
ECOncrete đã huy động được 5 triệu USD tài trợ vào năm ngoái, bao gồm từ quỹ đầu tư tác động Bridges Israel và Barclays - sản xuất các sản phẩm của mình ở Israel, Châu Âu và Hoa Kỳ. Sella kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng lên khi các nhà phát triển tìm cách bảo vệ bờ biển khỏi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên hơn.
Theo Lan Anh/Kinh tế Môi trường