Các doanh nghiệp nông nghiệp tập trung phục hồi sản xuất sau đợt dịch

Các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản, thực phẩm đang tập trung phục hồi sản xuất, chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức chế biến sản phẩm phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng trong những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần – 2022 cũng như xuất khẩu.

Chủ động phục hồi sản xuất

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú thông tin, hiện tại, việc vận chuyển hàng hóa đã thuận lợi hơn, các cảng xuất nhập khẩu cũng được mở trở lại… Tập đoàn đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản tăng cao tại thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, phấn đấu duy trì ổn định sản xuất từ nay đến hết năm 2021 – đạt hơn 70% kế hoạch để bảo đảm các đơn hàng đã ký.

Còn bà Dương Thị Thu Huệ – Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoco Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) cho biết, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng nấm kim châm trên thị trường sẽ tăng cao, công ty sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho các siêu thị Vinmart, Big C, Co.opmart, Lotte, Aeon Mall… và các cửa hàng thực phẩm sạch (hơn 3 tấn nấm/ngày).

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoco Thanh Cao tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường cuối năm.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có hơn 2.100 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và lớn, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 1.600 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, số còn lại chỉ là sản xuất cầm chừng để giữ các đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất từ việc thu mua nguyên liệu; huy động nhân công đến xây dựng kế hoạch sản xuất cho các tháng cuối năm để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu và bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho thị trường nội địa.

Đòn bẩy cho các doanh nghiệp

Những tháng cuối năm 2021, đặt mục tiêu khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản gắn với bảo đảm an toàn và phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như những điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp.

Khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới là hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Lê Minh Hoan cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; đồng thời xây dựng các giải pháp khắc phục các chuỗi ngành hàng, đặc biệt các ngành hàng xuất khẩu; bảo đảm đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 khoảng 44 tỷ USD; tổ chức các diễn đàn kết nối tiêu thụ các loại nông sản…

Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green tập trung chế biến sản phẩm từ thịt lợn phục vụ thị trường.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Quốc Toản thông tin, Cục sẽ thường xuyên tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất, cân đối cung cầu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao vào những tháng cuối năm, dịp lễ, tết; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường, để thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Chữ – Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ có những chính sách cụ thể về tín dụng, hạ lãi suất, giãn thời hạn cho vay… với các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản để có điều kiện phục hồi lại sản xuất sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bà Lưu Vũ Ngọc Ngân – Phó Giám đốc Công ty Kim Minh International (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây) cho biết, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm và tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp đàm phán với khách hàng nhập khẩu để họ chấp nhận chia sẻ rủi ro về giá cước tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và bảo đảm được lợi nhuận bền vững.

Theo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây