UNDP và Bộ Công Thương tiếp sức doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đón đầu kinh tế tuần hoàn

STNN - Bộ Công Thương phối hợp UNDP triển khai đào tạo về kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt thích ứng tiêu chuẩn xanh, xây dựng hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chương trình nằm trong Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp” (ACE-Biz).
tiep-suc-doanh-nghiep-chuyen-doi-ktx-stnn-1752646374.jpg
Bà Fleur Gribnau, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện - Ảnh UNDP.

Ngày 16/7/2025, hơn 100 đại biểu từ doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và viện nghiên cứu tham gia chuỗi đào tạo về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững tại TP.HCM. Chương trình do Bộ Công Thương phối hợp UNDP tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp” (ACE-Biz), với sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan.

Phát biểu tại khai mạc, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn không còn là khái niệm tương lai mà là yêu cầu cấp thiết, giúp doanh nghiệp đổi mới, tiết kiệm chi phí và tăng sức cạnh tranh trước các tiêu chuẩn môi trường ngày càng nghiêm ngặt.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công (Bộ Công Thương) - cho rằng mô hình tuần hoàn giúp doanh nghiệp ứng phó thách thức tài nguyên, năng lượng, đồng thời mở ra cơ hội với các sản phẩm xanh, đạt chuẩn sinh thái.

tiep-suc-doanh-nghiep-chuyen-doi-ktx-stnn-2-1752646374.jpg
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức quốc tế và viện nghiên cứu tham gia chuỗi khóa đào tạo về kinh tế tuần hoàn và sản xuất - Ảnh UNDP.

Khóa đào tạo về kinh tế tuần hoàn và tiêu dùng bền vững - nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan - nhằm trang bị kiến thức, thúc đẩy sáng kiến và thực hành mô hình bền vững cho doanh nghiệp.

Diễn ra từ ngày 14 đến 18/7/2025  tại TP.HCM, chương trình gồm có các khóa cơ bản và chuyên sâu: kết hợp trực tiếp trực tuyến cho ngành  nhựa, dệt may, với sự tham gia của chuyên gia Hà Lan và Việt Nam

Khóa học cung cấp thông tin về các chính sách, xu hướng quốc tế và pháp lý trong nước như Thỏa thuận Xanh EU, CBAM, ESPR, Luật Bảo vệ môi trường, EPR và các chương trình hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng bền vững.

Các khóa học chuyên sâu cho ngành nhựa và dệt may tập trung vào thiết kế sinh thái, tăng sử dụng vật liệu tái chế, áp dụng công nghệ tái chế phù hợp (cơ học, hóa học) và phát triển logistics thu hồi sản phẩm sau tiêu dùng. 

Bà Fleur Gribnau, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cho biết Hà Lan tự hào hỗ trợ dự án và tin tưởng chương trình sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với các quy định quốc tế, nâng cao năng lực chuyển đổi xanh, tăng sức cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu sang châu Âu.

Chương trình nằm trong chuỗi hỗ trợ của Dự án ACE-Biz, giúp doanh nghiệp Việt thích ứng tiêu chuẩn quốc tế, đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh và góp phần vào tăng trưởng bền vững.

Lê Khánh (t/h)