Cấp thiết nâng cao công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư

STNN - Trước thực trạng đáng báo động về hành vi săn bắt và tiêu thụ trái phép chim hoang dã, chim di cư, ngày 27/9 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 6461/BNN-TCLN về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Mùa chim di cư bắt đầu từ khoảng đầu tháng Chín năm trước đến tháng Tư năm sau. Theo dự báo, tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán và tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại các địa phương sẽ gia tăng và có diễn biến phức tạp. Tình trạng săn bắt và tiêu thụ trái phép này gây ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cho con người và các loài sinh vật.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

Cơ quan Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.

Triển khai, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh trên địa bàn ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định.

Cơ quan thú y và các cơ quan có liên quan tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.

Số loài chim di cư qua Việt Nam những năm gần đây giảm sút, 6 loài có nguy cơ tuyệt chủng gồm: rẻ mỏ thìa, choắt lớn mỏ vàng, rẻ lớn ngực đốm. Ba loài còn lại là choắt mỏ cong hông nâu, cò trắng Trung Quốc, mòng bể mỏ ngắn. Việt Nam nằm trên một trong 9 đường bay quan trọng của thế giới với hơn 300 loài di cư. Hai bãi đỗ lớn của các loài chim là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam có đưa ra năm mối đe dọa với chim hoang dã gồm: Thu hẹp môi trường sống và nơi kiếm thức ăn; nạn săn bắt, bẫy; nạn buôn bán, tiêu thụ; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.


Thu Hạnh