Cây cau

STNN - Cây cau, một hình ảnh thân thuộc và gần gũi, luôn gợi nhớ về những miền quê yên bình; chúng ta dễ bắt gặp trước sân, hai bên ngõ, cổng chùa, cổng làng những hàng cau xanh mướt, tàu lá nghiêng nghiêng lao xao trước gió, tỏa bóng cho xóm làng thêm xanh.
trau-cau-stnn-1736748458.jpg
 

Nhắc đến cây cau, người ta thường nghĩ đến hoa cau với vẻ đẹp thánh thiện và hương cau thoang thoảng, ngọt ngào; đi vào thi ca, hoa cau nở rộ vào cuối mùa xuân, rồi đơm hoa kết trái. Người xưa có câu “trước cau, sau chuối”, vậy nên bất cứ gia đình nào ở vùng quê, cũng thường trồng trước nhà một vài cây cau hay một hàng cau, để rồi từ đó làm nên hình ảnh của làng quê; cau gắn bó với bao phận người, phận đời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, phong thủy làng quê, và điểm tô thêm cho phong cảnh yên bình.

Cây cau không mang lại giá trị kinh tế cao nhưng nhà nào cũng trồng, bởi nó đã trở thành một nét đẹp của làng quê: Trồng cau cho đẹp nhà, đẹp làng và lấy quả; cũng từ “Sự tích trầu cau” mà người ta thường hay trồng một cây trầu không dưới gốc cây cau, cây trầu dựa bám vào thân cây cau vươn lên xanh tốt; còn buồng cau là sính lễ đặc biệt không thể thiếu trong đám hỏi, đám cưới, để mồng một hôm rằm, giỗ chạp dâng lên ông bà, tổ tiên; ngoài ra, quả cau cùng với trầu không, vôi, vỏ cây chay tạo nên miếng trầu thắm đượm. Ở quê, nhà nào có đám cưới, đám hỏi thường mời các bà hay ăn trầu đến để bổ cau, têm trầu tiếp khách bởi “miếng trầu là đầu câu chuyện”.

trau-cau-stnn-3-1736748458.jpg
 

Thế hệ ông bà chúng ta ai cũng biết ăn trầu, nó như thứ không thể thiếu hằng ngày, đặc biệt là đối với các cụ bà; tôi vẫn nhớ các dụng cụ dùng để ăn trầu của bà nội, gồm lọ vôi, que têm trầu, vỏ chay, lá trầu không và một con dao dùng để bổ cau; mỗi khi têm trầu, bà lấy lá trầu không, quệt vào đó một ít vôi, thêm lát vỏ chay nhỏ, sau đó cuộn tròn lại, rồi dùng đầu nhọn của que têm trầu xiên một lỗ để cài cuống lá vào cho miếng trầu không bị tở ra. Khi ăn, thì cho miếng trầu vừa têm vào miệng nhai, kèm theo miếng cau tươi hoặc cau khô; người nào ăn được thuốc lào thì cho vài sợi vào nhai cùng. Nhai kỹ, miếng trầu chuyển sang màu đỏ mà ta thường hay nghe “đỏ bã trầu”; gọi là ăn trầu, nhưng các bà chỉ nuốt nước cốt và nhả bã trầu, nhẩn nha thưởng thức vị chát, cay, vị ngầy ngậy, vị đăng đắng và cảm giác say say làm cho người nóng lên.

trau-cau-stnn-4-1736748458.jpg
 

Những người trẻ và chính tôi đã có vô số lần “trải nghiệm”, ban đầu rất tò mò xin miếng trầu để ăn xem mùi vị thế nào; nhai xong miếng trầu xong đôi môi đỏ như đánh son, đôi má hây hây, đôi mắt long lanh. Cái cảm giác êm ái lâng lâng, thú vị này khiến các bà, các mẹ trở nên thích ăn trầu và dễ thành nghiện ăn trầu.

Cây cau, ngoài hoa và quả ra, thì mo cũng có nhiều tác dụng; mo cau có phần mo và phần tàu lá, vốn rất thân thuộc với đám trẻ con ở quê. Bọn trẻ thường tìm cái tàu mo cau rụng xuống để chơi trò “kéo mo cau”, một đứa ngồi vào cái mo cau, đứa còn lại nắm chặt tàu lá kéo chạy vòng quanh sân, nhiều lúc cả hai đứa ngã trầy xước xát chân tay mà vẫn cười như nắc nẻ.

Mo cau còn dùng để làm quạt, khi tàu mo cau vừa mới rụng xuống còn tươi; bà, mẹ tôi đem cắt phần tàu lá phơi khô; còn phần mo cau, mẹ tôi khéo léo gấp chéo phần góc phía dưới của mo lại, như thế cho dễ cầm, còn đầu kia mỏng nhẹ hơn thì cắt bo tròn, để lùa gió. Sau khi làm xong, thì lấy miếng ván gỗ mỏng và vật nặng đè lên để ép cho quạt phẳng phiu, chờ ít hôm quạt khô là có thể dùng quạt phe phẩy được. Còn tàu lá phơi khô kia thì buộc chụm vài ba tàu lại với nhau để làm chổi quét sân.

trau-cau-stnn-2-1736748458.jpg
 

Thích nhất là mo cau dùng làm cái máng xối để hứng nước mưa từ trên cây cau chảy vào cái chum sành được đặt dưới gốc; trên miệng chum, có cái phên làm nắp đậy, để chắn lá cây và đặt sẵn cái gáo dừa để múc nước. Trời nắng nóng, đi làm hay đi đâu về, uống một ngụm nước mưa thật mát ngọt; một hình ảnh rất bình dị thân thuộc ở làng quê.

Ký ức ngày nhỏ của tôi luôn có hình ảnh chiếc quạt mo của mẹ, cái chum sành đựng nước mưa. Thấy nhớ chiếc quạt mo mẹ thường để trên đầu giường mà mỗi đêm trời nóng bức, chập chờn giấc ngủ, mẹ lại đưa tay với tìm chiếc quạt, phẩy qua phẩy lại, lạch phạch xua đi cái nóng, làm mát rượi tấm lưng trần của con thơ, để các con bình an chìm vào giấc ngủ.

Chúng tôi, lũ trẻ thơ ở vùng quê ngày ấy, cứ lớn lên hồn nhiên cùng những thú vui mộc mạc từ những chiếc mo cau như thế. Những đứa trẻ chơi trò kéo mo cau giờ đã trưởng thành, được dựng vợ gả chồng, làm cha mẹ của những đứa con. Còn hàng cau, vẫn đứng đó, vươn mình đón gió, như ngọn đèn soi sáng dẫn lối ta về.

Tạ Hữu Thuật