Trong những ngày đầu hè, chúng tôi có dịp đến với thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một vùng quê yên bình với những cổng nhà, những hàng rào tuyệt đẹp được kết thành từ những cây duối cổ thụ. Tất cả đẹp như một bức tranh mà hàng trăm năm qua người dân xã Tùng Ảnh vẫn điểm tô, gìn giữ.

Một miền quê bình dị hiếm nơi nào có được…

Trải dọc theo dòng sông La thơ mộng, xã Tùng Ảnh được biết đến là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi. Tùng Ảnh không chỉ là vùng đất hiếu học, khoa bảng, nơi sản sinh ra hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, quê hương của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn được biết đến là một vùng đất vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được nét mộc mạc, chân quê của những ngôi làng Việt.

Vẻ yên bình, thơ mộng của xã Tùng Ảnh còn được điểm tô thêm bằng những hàng rào xanh mướt, những cổng nhà độc đáo được kết thành từ các cây duối cổ thụ.

Thôn Châu Nội, một làng quê bình dị với những hàng rào xanh mướt

Người dân ở thôn Châu Nội cho biết, trước kia, mỗi gia đình trong xã thường trồng cây duối (hay còn gọi là cây giới), để tạo thành cổng nhà, bờ rào. Qua thời gian, qua bàn tay chăm sóc, cắt tỉa khéo léo của con người đã hình thành nên nhiều cổng nhà độc đáo mà hiếm nơi nào có được.

Hiện nay, trên địa bàn thôn Châu Nội vẫn còn 10 gia đình giữ lại được những chiếc cổng nhà bằng cây duối, với tuổi đời từ hàng chục đến vài trăm năm rất đẹp và độc đáo.

Những cổng nhà độc đáo ở thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh được kết thành từ những cây duối cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

Những chiếc cổng nhà được tạo chủ yếu theo hình thang, hình vuông, chiều cao 4,5m, rộng có khi tới 4m. Hai cây duối cổ thụ được trồng ở hai bên để làm cổng, và cứ cách khoảng 1,5m người ta lại trồng xen kẽ một cây duối để tạo thành hàng rào thẳng tắp.

Được biết, mỗi năm có hàng trăm đoàn du khách trên khắp cả nước đổ về đây, vừa là để tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, vừa để chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm bên những chiếc cổng nhà bằng cây duối này.

Hoàng Nghĩa 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây