Chọn tạo giống vừng năng suất cao cho khu vực phía Nam

STNN - Hai giống vừng mới do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (Quy Nhơn, Bình Định) chọn tạo cho năng suất cao hơn tới 44%, đồng thời chịu hạn tốt, thích hợp cho các vùng trồng ở khu vực phía Nam.

Diện tích trồng vừng của Việt Nam hiện chiếm khoảng hơn 56 ngàn ha, chủ yếu ở Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, với năng suất bình quân 0,84 tấn/ha, chưa tương xứng với tiềm năng năng suất của cây vừng cũng như lợi thế về đất đai và khí hậu ở các vùng trồng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vừng là cây trồng cần được ưu tiên lựa chọn vì chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng cao. Tuy nhiên, trong nước hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về cây vừng.

Trước thực tế đó, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống vừng năng suất cao cho các tỉnh phía Nam”.

Để tạo nguồn vật liệu chọn tạo, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập các giống vừng có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, hàm lượng dầu cao, nhiễm trung bình với bệnh đốm lá, phù hợp với cơ phương thức canh tác giới hóa.

chon-tao-giong-vung-nang-suat-cao-sinhthainongnghiep-1-1732765266.gif
Các giống vừng mới được chọn tạo. Ảnh: NNC

Cụ thể, để tạo giống thích hợp với vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhóm sử dụng giống CUMS-17 (nhập từ Ấn Độ) và vừng vàng Bình Định làm bố mẹ.

Để tạo giống cho vùng phía Nam, nhóm sử dụng giống VĐCĐ, giống địa phương được thu thập tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, làm mẹ; và giống ĐH1, được phục tráng từ giống vừng địa phương của tỉnh Long An, làm bố.

Giống vừng BĐ.01 được tạo ra từ tổ hợp lai CUMS-17 và vừng vàng Bình Định. Giống vừng HLVĐ78 được chọn lọc từ tổ hợp lai VĐCĐ và ĐH1 theo phương pháp chọn lọc phả hệ (theo dõi và lựa chọn những cá thể có đặc tính di truyền mong muốn thông qua các thế hệ trong một dòng giống).

Các giống mới được trồng khảo nghiệm tại một số tỉnh phía Nam, cùng với một số giống đối chứng như D3, D7, vừng vàng Bình Định, HLVĐ215, HLVĐ107, ĐPAG,…

chon-tao-giong-vung-nang-suat-cao-sinhthainongnghiep-2-1732765265.gif
Trồng khảo nghiệm các giống vừng. Ảnh: NNC

Kết quả, giống vừng BĐ.01 không bị tách quả, chống đổ ngã tốt, thời gian sinh trưởng từ 83 - 93 ngày, hạt màu vàng, hàm lượng dầu đạt 54,79%. Năng suất trồng trên đất phù sa chủ động nước tưới ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt từ 1,47 - 1,72 tấn/ha, tăng 30,6 - 34,8% so với các giống đối chứng. Giống trồng trên đất xám bạc màu phù sa cổ (đất hình thành từ trầm tích phù sa được bồi đắp cách đây hàng ngàn đến hàng triệu năm), không chủ động nước tưới tại vùng Tây Nguyên đạt từ 0,88 - 1,20 tấn/ha, tăng 35,9 - 44,5% so với đối chứng.

Giống HLVĐ78, có thời gian sinh trưởng từ 78 - 80 ngày, hạt màu đen, không bị tách quả, chống đổ ngã tốt, hàm lượng dầu đạt từ 53,3 - 53,6%. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, năng suất trồng trên nền đất xám Bình Thuận đạt 15,43 tạ/ha - cao hơn so với đối chứng 1,7%. Trên nền đất sau lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho năng suất 15,17 - 15,24 tạ/ha, cao hơn so với đối chứng từ 21,8 – 28,6%.

Hai giống mới này đã được Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ công bố lưu hành cho các tỉnh phía Nam.

Nhóm tác giả cũng đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác các giống vừng mới, có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất.