Chương trình OCOP phát huy các sản phẩm lợi thế tại Hòa Bình

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hòa Bình, đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 70 sản phẩm của 59 chủ thể (gồm 39 HTX, 9 doanh nghiệp, 2 cơ sở sản xuất và 9 hộ có đăng ký kinh doanh) được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao (1 sản phẩm OCOP nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao), 52 sản phẩm đạt 3 sao.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đều là những nông sản đặc hữu, thế mạnh của tỉnh như cá lăng file, rô phi file của Công ty TNHH Cường Thịnh; ruốc cá trắm đen, ruốc cá lăng vàng và ruốc cá lăng đen của Công ty TNHH Hải Đăng (TP Hòa Bình). Mô hình chuỗi sản phẩm nước cam tươi lên men, cam quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong); cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Bảo Hiệu (Yên Thủy)…

Sau 03 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả bước đầu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển làng nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương. Chương trình tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong điều kiện cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM là hợp lý và cần thiết, thúc đẩy kinh tế du lịch song hành cùng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Các sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP là yếu tố quan trọng cho việc kết nối các sản phẩm OCOP toàn quốc và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đem lại sinh kế cho cộng đồng, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, dân tộc ít người.

Có được kết quả trên trong giai đoạn vừa qua là sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở cũng như sự ủng hộ hưởng ứng nhiệt tình của người dân tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt; phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương; đồng thời thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản đặc sản, đặc trưng của từng địa phương, thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh việc quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm; hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.

Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay, Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 là nền tảng vững chắc để tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và tiếp tục phấn đấu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo.

Theo Mard.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây