
Một làn sóng đổi mới đang nổi lên ở Nhật Bản, biến da cá, thường bị loại bỏ sau khi lọc phi lê, thành một vật liệu mới. Theo tờ Asahi Shimbun, vật liệu này nổi bật với độ bền, không có mùi tanh và có họa tiết vảy đa dạng từ các loài cá khác nhau. Đây là một cách hiệu quả để tận dụng nguồn tài nguyên hạn chế thường bị lãng phí.
Nghệ nhân Tomohisa Noguchi, 32 tuổi, đang dẫn đầu phong trào sử dụng da cá tại Nhật Bản. Từ năm 2020, anh đã sản xuất các sản phẩm da cá mang thương hiệu "Tototo" tại Himi, tỉnh Toyama. "Tôi muốn thúc đẩy sản xuất bền vững và ngăn chặn lãng phí tài nguyên quý giá," anh Noguchi cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng khoảng một nửa cơ thể cá thường bị bỏ đi trong quá trình chế biến.
Trong một buổi trình diễn gần đây ở Tokyo, Noguchi giới thiệu nhiều loại da cá như cá hamichi, cá hồi và cá tráp biển, thể hiện các kết cấu và hoa văn phong phú. Những người tham dự đã đánh giá cao về độ bền của da; đặc biệt sản phẩm không có mùi tanh và vẫn giữ được mùi đặc trưng của da thuộc truyền thống. Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Noguchi đã hoàn thiện quy trình 15 bước (kéo dài một tháng), giúp loại bỏ mùi hôi và độ nhớt của dầu cá, đồng thời ngăn không cho lớp da mỏng bị co lại.

Ngoài các nghệ nhân thủ công, những công ty lớn cũng đang tham gia vào phân khúc thị trường này. Nissui Corp., một công ty chế biến hải sản hàng đầu có trụ sở tại Tokyo, đã bắt đầu cung cấp "da nano" được làm từ da cá đuôi vàng nuôi. Trước đây, loại da này chủ yếu được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Nissui Corp. đã nhận thấy cơ hội kinh doanh vào năm 2022 và sau hai năm phát triển công nghệ, sản phẩm của họ hiện đã có sẵn cho các nhà sản xuất quần áo thử nghiệm. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành thời trang về các giải pháp thay thế bền vững cho da động vật và vật liệu gốc dầu mỏ.
Động thái này đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong ngành đánh bắt cá, biến chất thải thành các sản phẩm có giá trị cao.