“Đại Hùng Bảo Điện” trong các ngôi chùa Việt

Chùa gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt. Đi chùa là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh. Người ta đến chùa lễ Phật, vãn cảnh, tìm sự bình an, làm dày thêm vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa.

Chữ “Đại Hùng bảo điện” ở chùa Trúc Lâm tịnh viện. Ảnh: Đạo Phật ngày nay.

Khi vào chùa, chúng ta thường nhìn thấy bức đại tự ghi 4 chữ: 大 雄 寶 殿 (Đại Hùng Bảo Điện). Đại Hùng là đức hiệu của Đức Phật. Chữ “Đại” có ý chỉ bao hàm vạn vật, chữ “Hùng” chỉ chế ngự yêu ma. Đức Phật có đủ trí huệ để hùng trấn đại thiên thế giới, do vậy đệ tử của Phật tôn xưng ngài là Đại Hùng. Chữ “Bảo” của Bảo Điện là chỉ tam bảo Phật – Pháp – Tăng.

Đại Hùng Bảo Điện là Phật điện, chính điện, hay đại điện, là trung tâm kiến trúc của ngôi chùa, nơi cử hành các hoạt động chính của nghi lễ Phật giáo. Trong tổng thể ngôi chùa, chính điện là công trình có chức năng quan trọng nhất. Đây là là nơi để tăng chúng, tín đồ thập phương lễ bái tu hành.

Phật Thích Ca Mâu Ni và hai đại đệ tử Ca Diếp, A Nan. Ảnh: Internet

Thông thường, ở chính giữa đại điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và hai đại đệ tử của Ngài là Ca Diếp tôn giả, A Nan tôn giả.

Đức Phật có đầy đủ đại trí lực hàng phục bốn ma: Ma tham sân hay não hại thân tâm. Ma 5 ấm, còn gọi là năm chúng ma, tân dịch là uẩn ma; sắc thọ tưởng hành thức, năm loại ma này hay sinh ra các khổ não. Ma chết, chết là chấm dứt mạng sống của một kiếp người. Ma tha hóa tự tại thiên, tân dịch là: Tự tại thiên ma, là ma vương ở tầng trời thứ sáu trong cõi dục, hay làm bại hoại việc lành của người.

Ngài Ca Diếp là đại đệ tử thân tín của Đức Phật, có tiếng là người tu khổ hạnh nhất. Tượng ngài Ca Diếp được trưng bày ở phía bên tay trái của Đức Phật. Ngài A Nan là vị tổ sư tiếp sau Ca Diếp, được tôn xưng là đa văn đệ nhất. Ngài có tướng mạo trang nghiêm, trí nhớ siêu phàm, tượng ngài ở bên phải của Đức Phật.

Phật thờ trong đại điện thì tư thế có nhiều kiểu dáng khác nhau, thông thường thì có ba tư thế: Ngồi kết già, tay trái để ngay trên chân trái, tay phải duỗi thẳng; Tư thế kết già tay trái để ngang trên chân trái, tay phải đưa lên trên bàn tay hơi co lại; Tượng Phật đứng, tay trái để đưa xuống, tay phải hướng lên trên duỗi ra.

Phật là bậc giác ngộ vẹn tròn, Phật lực hàng phục ngăn dẹp các chướng duyên đến từ bên trong và bên ngoài, sức mạnh ấy làm cho mọi người, mọi loài được an vui giải thoát. Để báo ân Ngài, chúng ta hãy thực hành Phật pháp, sống hạnh phúc và đem hạnh phúc đến cho tất cả mọi người.

Đức Cường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây