Quỳnh Thạch: Miền ký ức hào hùng

STNN - Quỳnh Thạch là vùng đất được hình thành và phát triển lâu đời, thuộc nền di chỉ văn hóa Cồn Sò Điệp Quỳnh Văn (di chỉ văn hóa quốc gia). Ngót ngàn năm khai cơ lập ấp, vùng đất này đã trải qua sự thay đổi về địa giới và mang nhiều tên gọi khác nhau: “Kẻ Tràm, Thạch Bàn, Thạch Động, Tân Hóa, Văn Phong, Quỳnh Sơn…” cho đến xã Quỳnh Thạch, và ngày nay là xã Quỳnh Văn.

“Tên làng ghi dấu bao đời,
Nay thành ký ức, một lời thở than...”

xa-quynh-thach-stnn-1751515375.jpg
 

Trong vòng xoay tất yếu của sự đổi thay, có những điều ta buộc phải chia xa không phải vì ta muốn, mà bởi dòng chảy cuộc đời luôn đòi hỏi sự thích nghi và hội nhập. Hôm nay, khi xã Quỳnh Thạch chính thức mang tên mới là xã Quỳnh Văn, tên gọi Quỳnh Thạch, một địa danh từng gắn bó với bao thế hệ, đã chính thức lui về miền ký ức.

Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, trường kỳ và vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảnh đất Quỳnh Thạch đã có lớp lớp thế hệ thanh niên, chiến sĩ cống hiến tuổi trẻ, thanh xuân, máu và nước mắt để tô thắm lá cờ Tổ quốc. Với 123 liệt sĩ ngã xuống và rất nhiều thương bệnh binh để lại một phần cơ thể tại các chiến trường, Quỳnh Thạch đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và sự hy sinh cao cả.

Quỳnh Thạch là một vùng văn hóa mang nhiều nét đặc trưng của làng quê Bắc Trung Bộ, với ba di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh được công nhận: Đình làng Thạch Động, Nhà thờ họ Nguyễn Bá và Đền Hạ - Lam Cầu, cùng rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời khác. Theo thống kê sơ bộ, xã Quỳnh Thạch hiện có 57 dòng họ đang chung sống hòa thuận, đoàn kết và hiếu học, là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước.

xa-quynh-thach-stnn-2-1751515375.jpg
 

Hai tiếng “Quỳnh Thạch” mộc mạc mà thân thương, từng hiện diện trên biết bao trang giấy học trò, trong lời ru ngọt ngào của mẹ, và trong những câu chuyện bên bếp lửa hồng mà ông bà kể về chiến tranh và hòa bình, về đói no và thịnh vượng. Tên gọi ấy đã thấm vào từng tấc đất, từng hàng tre rì rào, từng bờ ruộng, con đường, mái nhà… Nay, nó không còn hiện diện trong giấy tờ hành chính, bản đồ địa lý hay biển hiệu công sở, nhưng ai dám bảo rằng Quỳnh Thạch đã mất? Không, Quỳnh Thạch chưa bao giờ mất; tên gọi ấy đã hóa thân vào máu thịt của những người con nơi đây. Nó sống trong tâm khảm của từng cụ già tóc bạc, trong trái tim rạo rực của lớp trẻ, vang lên trong tiếng cười giữa mùa gặt, trong tiếng trống hội làng, và trong ánh mắt bồi hồi khi ai đó gọi về “quê cũ Quỳnh Thạch” yêu thương.

Theo chủ trương của Nhà nước, chúng ta sáp nhập để mạnh hơn, để vững vàng bước vào tương lai. Trong thời đại mới, sự tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý là điều tất yếu. Trong hành trình đi lên ấy, lòng người vẫn có quyền níu giữ những điều xưa cũ như một mạch nguồn thiêng liêng:

"Chỉ thay đổi tên thôi
đất vẫn thế chẳng ai dời đi được
Vẫn sông núi ngàn năm thân thuộc
Vẫn hồn quê thấm đẫm hồn người."

Bởi thế, trong sự kiện sáp nhập hành chính tưởng chừng khô khan ấy, lại trào dâng những lớp sóng cảm xúc. Có người rưng rưng khi nhìn tấm biển “UBND xã Quỳnh Thạch” được tháo xuống; có người lặng lẽ đi dọc con đường làng, thì thầm gọi ba tiếng “Quỳnh Thạch ơi…” như gọi một người thân yêu vừa ly biệt.

xa-quynh-thach-stnn-3-1751515375.jpg
 

Dẫu tên hành chính có đổi thay, nhưng tình làng nghĩa xóm, nếp sống quê hương và truyền thống tổ tiên vẫn nguyên vẹn. Cổng làng, đình điếm, giếng khơi, những di tích lịch sử đã gắn bó suốt tuổi thơ vẫn lặng lẽ chờ ai trở lại. Mỗi viên gạch, mỗi mái ngói, mỗi cánh đồng làng vẫn thầm kể chuyện Quỳnh Thạch, như một bản sử ca không bao giờ phai mờ.

Ngày hôm nay, khi Quỳnh Thạch song hành cùng đất nước, bước sang một kỷ nguyên mới - “Kỷ nguyên vươn mình”, thì Quỳnh Thạch luôn tự hào là một phần lịch sử của đất nước và hân hoan đón nhận tên xã mới Quỳnh Văn, mái nhà chung của ba xã: Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn và Quỳnh Tân.

Chữ "Quỳnh" trong tên huyện cũ “Quỳnh Lưu” - “Quỳnh Lưu đất mẹ anh hùng” - là mảnh đất địa đầu Xứ Nghệ. Chữ “Văn” không chỉ gợi nhớ về nguồn gốc hướng về di chỉ quốc gia Cồn Sò Điệp Quỳnh Văn, mà còn thể hiện văn hóa, văn học và nhân văn trong những nét đẹp của con người.

Kim Cương