Cây xoài cổ có chiều cao 15 mét, diện tích tán cây là 196 m², và đường kính ở vị trí cách mặt đất 1,3 mét là 85 cm. Cây có tuổi đời trên 200 năm. Hiện cây xoài cổ nằm bên đường liên thôn, từng là vườn nhà của dòng họ Đặng Lam Cầu, một trong ba dòng họ lớn có công khai cơ lập làng tại vùng đất Lam Cầu, trước đây gọi là Kẻ Tràm. Theo sách "Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu" của tác giả Ninh Viết Giao (1988), Lam Cầu là nơi cư trú sớm của người Việt cổ thuộc văn hóa Cồn Diệc, Quỳnh Văn. Ngay từ thời Bắc thuộc, nơi đây đã có cư dân sinh sống, để lại dấu tích như các giếng cổ và chùa Vòng.

Tuy nhiên, theo sử liệu, mãi đến thời Trần, các dòng họ lớn như Nguyễn, Phan, Đặng mới di cư đến, bắt đầu quá trình khai khẩn thực sự. Dân gian vẫn lưu truyền câu nói: “Nhất Nguyễn, nhì Phan, tam giã Đặng,” phản ánh vị trí thứ ba nhưng bền bỉ, gắn bó của họ Đặng với mảnh đất Lam Cầu. Cây xoài cổ chính là một dấu tích đặc biệt, đánh dấu sự định cư và gây dựng của dòng họ Đặng tại vùng đất mới.
Cây xoài cổ là giống cây bản địa quý hiếm, được các bậc tiền nhân trồng khi mới khai khẩn đất Lam Cầu. Khu vườn có cây xoài từng là địa điểm họp bàn, liên lạc của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Sang đầu thế kỷ XX, nơi đây trở thành cơ sở cách mạng quan trọng, gắn liền với hoạt động yêu nước của ông Đặng Ngọc Trân, Tiên tổ đời thứ 14 của dòng họ Đặng Lam Cầu. Ông Đặng Ngọc Trân, hiệu Tinh Sơn cư sĩ, là người sớm giác ngộ cách mạng, từng hoạt động cùng các sĩ phu nổi tiếng trong vùng như Hồ Tùng Mậu, Dương Vụ Bản, Phan Hữu Khiêm... Dưới bóng cây xoài cổ, nhiều cuộc họp bí mật đã diễn ra; đây cũng là nơi cất giấu truyền đơn, tổ chức huấn luyện và quan sát tình hình địch.
Ngày 14/8/1928, trong lúc đang rải truyền đơn tố cáo tội ác của thực dân Pháp, ông bị bắt và bị kết án 15 năm tù. Nhờ phong trào đấu tranh trong và ngoài nước, ông được trả tự do sớm vào cuối năm 1936. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, ông giữ chức Bí thư Hội Việt Nam Cứu quốc và Ủy viên Ủy ban Cách mạng lâm thời tại địa phương. Hình ảnh và tư liệu về ông hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP. Vinh, Nghệ An).
Ngày nay, khu vườn xưa đã được người dân dòng họ Đặng hiến để mở rộng đường giao thông, nhưng cây xoài cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Cây hiện thuộc quyền sở hữu của dòng họ Đặng Lam Cầu, là cổ thụ bóng mát duy nhất còn lại của làng, tồn tại song hành cùng Giếng Đông, một di tích giếng cổ đã được nhân dân tôn tạo và khoanh vùng bảo vệ. Mỗi khi đứng dưới tán cây, người dân lại cảm nhận được dòng chảy bất tận của ký ức của những người đi trước, tình làng nghĩa xóm và sức mạnh đoàn kết của làng xã.
Nhận thức được giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của cây xoài cổ, dòng họ Đặng Lam Cầu đã chính thức chọn cây làm Di tích của dòng họ, vừa để tôn vinh quá khứ, vừa góp phần gìn giữ nguồn gen quý hiếm của giống xoài bản địa.
Có thơ rằng:
“Xoài cổ, lưu hương, tông tổ Đặng;
Linh thiêng, tỏa phúc, tử tôn vinh”.
Cây xoài không chỉ là một chứng tích thời gian, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và truyền thống hiếu nghĩa của người dân làng Lam Cầu. Giữa nhịp sống hiện đại, tán lá rợp bóng cây xoài như vẫn nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về cội nguồn dân tộc và những con người đã âm thầm góp sức dựng xây quê hương từ trong máu lửa.
Trước giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và tâm linh, ngày 16/10/2024, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã chính thức công nhận cây xoài cổ của dòng họ Đặng Lam Cầu là “Cây cổ thụ có giá trị Lịch sử - Văn hóa”, theo đề nghị của UBND xã Quỳnh Thạch và Hội Sinh vật cảnh huyện Quỳnh Lưu.

Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho một biểu tượng văn hóa làng quê, mà còn góp phần tôn vinh truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên gắn với ký ức lịch sử cách mạng. Đây cũng là lời nhắc nhở đầy xúc động về cội nguồn, về những con người đã cống hiến âm thầm để gìn giữ mạch sống văn hóa Việt nơi vùng đất địa đầu Xứ Nghệ.