STNN - Gần đây, "con cái toàn thời gian" hay “full time bên cha mẹ” đã trở thành một khái niệm mới được nhắc tới nhiều trên các trang mạng Trung Quốc.
Những người trẻ trong trào lưu này bỏ công việc đang làm về sống với cha mẹ, vẫn duy trì việc lao động để duy trì nguồn tài chính, duy trì việc học tập nâng cao, cố gắng tìm kiếm mục tiêu nghề nghiệp, tham gia các kỳ thi công chức. Trên trang web dịch vụ mạng xã hội Douban, nhóm "Trung tâm giao lưu công việc của các con cái toàn thời gian” đã tập hợp được 4.160 “người làm công”.
Bên cạnh thế hệ 9X hay 2K đang vừa thực hiện “con cái toàn thời gian”, vừa tìm kiếm việc làm; thì cũng có những người 7X, 8X chọn cách rời bỏ công việc để về quê để lo cho bố mẹ ốm đau hay có những suy nghĩ mới về cuộc sống. Cũng có những người trẻ tuổi, trong thời gian “full time bên cha mẹ”, đã tìm được công việc làm thêm thú vị, thu nhập trên 10.000 nhân dân tệ/tháng. Trong những cuộc phỏng vấn, các phóng viên không chỉ cảm nhận được sự quan tâm, hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, mà còn thấy được sự bao dung, thấu hiểu của thế hệ cha mẹ mới đối với con cái.
Họ chọn là “con cái toàn thời gian”
“Con cái toàn thời gian” chính là những “NEET” kiểu mới (chỉ một người vừa thất nghiệp vừa không đi học hoặc được dạy nghề, việc phân loại một người là NEET lần đầu tiên được sử dụng ở Vương quốc Anh, sau đó lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada và Hoa Kỳ - PV).
Binbin, thuộc thế hệ 8X, không nhìn nhận như vậy. "Trong hai, ba năm qua, tôi đã cảm nhận được sự vô thường của cuộc sống và muốn thay đổi". Tháng hai năm nay, Bin Bin bỏ công việc văn phòng, xa thành phố cấp một mà mình đã sống mười mấy năm, đưa con trở về quê hương, bắt đầu một cuộc sống mới.
"Bố mẹ tôi đã 70 tuổi rồi. Nếu đúng như kế hoạch thì chỉ sau khi nghỉ hưu tôi mới có thời gian chăm sóc, gần gũi cha mẹ. Tuy nhiên, phải mười mấy năm nữa tôi mới đến tuổi nghỉ hưu, khi đó thì cha mẹ tôi đã hơn 80 tuổi, tôi liệu có thể dẫn họ đi du lịch được không? Lương hưu của cha mẹ tôi cũng gần 10.000 nhân dân tệ, bản thân tôi cũng có một khoản tiền tiết kiệm, rồi chi tiêu cũng không nhiều. Bởi vậy, tôi thấy cũng tới lúc làm "con cái toàn thời gian" được rồi – Binbin nói.
Vì vậy, Binbin đã chuyển hộ khẩu của mình và con về quê, ổn định chỗ học tại nhà trẻ cho con, hàng ngày cùng mẹ đi tập thể dục buổi sáng, đi chợ mua rau, hay ngồi trò chuyện cùng bố mẹ và người thân. "Mọi người cùng bàn nhau hôm nay làm gì, thức ăn của ngày hôm nay..., cảm giác này hầu như tôi không được cảm nhận kể từ khi đi học đại học và xa nhà hơn 20 năm trước, tôi rất vui vì mình đã lựa chọn như vậy.”
Và "công việc" chính của Binbin là nhắc bố mẹ uống thuốc đúng giờ, giúp bố mẹ lên kế hoạch cho những chuyến du lịch ngắn ngày... Nói về “công việc” của mình, cô cảm thấy rất mãn nguyện: “Bạn bè của bố mẹ tôi rất ngưỡng mộ ông bà vì có con cái bên cạnh. Con cái họ có người thì bận công việc, có người thì mải lo cho gia đình nhỏ của mình nên cha mẹ con cái gặp nhau rất ít. Trước đây, bạn bè của bố mẹ tôi ngưỡng mộ những người có con cái đã kết hôn, nhưng bây giờ thì những người có “con cái full time bên cha mẹ”mới thực sự là những người hạnh phúc.
Công việc hàng ngày của Binbin rất bận rộn, vì cô chăm sóc cả bố mẹ chồng. May mắn thay, hiện tại, chồng Binbin ủng hộ sự lựa chọn của cô, đồng thời cũng đang tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp tại quê hương của anh và Binbin. "Chồng tôi và tôi đều là con một. Giờ hai bên nội ngoại đều đã lớn tuổi. Để ra ngoài làm việc thì chúng tôi phải xa nhà, không thể lúc nào cũng bên cạnh cha mẹ được, vì vậy được full time làm con, là một hành trình hạnh phúc hai chiều!" - Binbin nói.
Thế hệ 9X: "Con cái toàn thời gian" không phải là nằm yên
Cuối tháng 7/2022, Xinxin sinh năm 1998 du học sinh Úc, trở về nước sau khi tốt nghiệp. "Ngày nay tìm việc phải cạnh tranh rất khốc liệt. Tôi học thiết kế, tìm mãi mới được offer của một số công ty nhỏ, tất cả đều nói rằng buổi đêm phải tăng ca. Tôi đã thảo luận với bố mẹ và cảm thấy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi, vì vậy đã không nhận công việc như vậy. Bây giờ, tôi đã là 'con cái toàn thời gian' được gần một năm rồi". Xin xin nói với phóng viên rằng cũng có mấy bạn học lựa chọn giống như mình. "Thế hệ chúng tôi từ nhỏ đã không phải chịu khổ. Bố mẹ tôi không lo lắng quá, cảm thấy rằng thế hệ của họ đã làm việc chăm chỉ, vì vậy họ hy vọng rằng tôi có thể thư giãn một chút."
Xinxin hoàn toàn không cường điệu. Nhiều cuộc phỏng vấn cho thấy, đối với nhiều 9X thất nghiệp, thì “áp lực kinh tế” của gia đình không lớn. Trong thời kỳ “full time bên cha mẹ”, mức “lương” bố mẹ cho ít thì một hay hai ngàn tệ, nhiều thì lên tới 8.000 nhân dân tệ.
Thế hệ 2K: “Sạc pin” trong bến cảng của gia đình
Yingying 23 tuổi, tốt nghiệp vào năm ngoái. Sau một thời gian làm tại công ty truyền thông ở Phật Sơn, rồi đến một công ty mạng ở một thành phố loại một, tuy nhiên, cô cảm thấy hụt hơi do thường xuyên phải tăng ca. "Mỗi khi tôi rơi vào trạng thái tồi tệ, bố mẹ trở thành nơi nương tựa cuối cùng của tôi. Họ đề nghị tôi về nhà, rồi đưa tiền cho tôi hàng tháng. Cuộc sống ‘con cái toàn thời gian’ của tôi bắt đầu như vậy".
Yingying nói rằng, bố mẹ lo lắng rằng cô ấy sẽ cảm thấy buồn chán nếu không có thu nhập sau khi về nước. Vì vậy, họ đề xuất, cô ấy có thể nấu ăn và làm việc nhà khi trở về nhà và sẽ được bố mẹ chu cấp cho 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Hiện tại, Yingying đã là "con cái toàn thời gian" được nửa năm, ngoài việc làm những việc cô thích hàng ngày ở nhà như đọc sách, viết lách, vẽ tranh, thỉnh thoảng cô còn giúp bố mẹ chăm sóc ông bà. "Ông bà rất vui khi thấy tôi và nói với tôi nhiều lần rằng, tôi không phải lo lắng về việc không thể tìm được việc làm và ở nhà."
Vừa chăm sóc gia đình, Yingying vừa tích cực chuẩn bị cho kỳ thi công chức, thậm chí cô còn đăng ký tham gia một lớp đào tạo nhân viên pha chế cà phê: "Tôi cho rằng, con cái toàn thời gian là sản phẩm của xã hội tiến bộ. Sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn dừng lại và nghĩ về tương lai, nên sẽ chọn cách này”.
Quan điểm của chuyên gia
Lu Xin Yu, Giáo sư Học viện Truyền thông của Đại học Sư phạm Hoa Đông cho rằng: "Sự xuất hiện của hiện tượng này có lý do xã hội và sự hợp lý của nó. Trung Quốc có truyền thống con cái sống với cha mẹ từ thời cổ đại. Cha mẹ nuôi chúng ta khôn lớn, chúng ta sống cùng cha mẹ tới già. Sự đồng hành như vậy, bản thân đã có ý nghĩa to lớn. "Con cái toàn thời gian" là hiện tượng mức sống vật chất đã đạt đến một giai đoạn nhất định. Lối sống này dựa trên tiền đề là cha mẹ đều đi làm, có lương hưu cao, con cái cũng có tâm lý tốt mới có thể thích hợp trong hoàn cảnh này".
Lu Xin Yu tin rằng, "con cái toàn thời gian" đôi khi là một lựa chọn ngắn hạn, nhưng nó cũng có thể là một quyết định có chủ ý. Đối với những 9X hay 2K, họ có thể tạm thời quay về “bến đỗ an toàn” khi gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống. Đối với 7X hay 8X mà nói, họ cảm nhận được tình thân trong khi chăm sóc cha mẹ, họ có thể nhìn lại bản thân, suy ngẫm về cuộc sống và tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý:
- Thứ nhất, giữa cha mẹ và con cái có thể xảy ra “bạo lực ngầm mang tính ẩn ngầm mờ nhạt”: cha mẹ cho con tiền, có kiểm soát con cái không, có ẩn chứa sự kiểm soát tình cảm hay không.
- Thứ hai, nếu ở lâu trong mối quan hệ liên thế hệ của một gia đình nhỏ, đối với người trẻ, rất dễ đánh mất mối liên hệ theo chiều ngang với xã hội, ở một mức độ nào đó, đánh mất kỹ năng giao tiếp xã hội, các mối quan hệ xã hội. Cha mẹ nên giúp những đứa trẻ “full time bên cha mẹ” thiết lập mạng xã hội, để chúng có thể nhìn thấy và giao tiếp với nhau; chúng cũng nên chú ý đến khả năng trở lại xã hội.
Những vấn đề khác
Tu Jiong, Phó Giáo sư tại Học viện Xã hội học và Nhân chủng học tại Đại học Trung Sơn, tin rằng: “Trong quá trình trưởng thành hoặc phát triển sự nghiệp của những người trẻ tuổi, nếu gia đình có thể đóng vai trò là bến đỗ để họ tạm trú và hỗ trợ khi họ gặp khó khăn, điều đó thực sự sẽ có ích cho những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể cung cấp cho con cái một nơi trú ẩn như vậy.
Đồng thời, Tu Jiong tin rằng, chúng ta nên nhìn nhận những vấn đề xã hội được phản ánh đằng sau hiện tượng này.
- Thứ nhất, hãy quan tâm đến người già trong một xã hội già hóa. “Đối với những đứa con một sinh vào những năm 1970, 1980 có ‘tứ trưởng lão – bố mẹ vợ chồng’, việc chăm sóc người già, có nên là để con cái ở tuổi trưởng thành trở về với gia đình, hay đưa vào các cơ sở chuyên chăm sóc người già? Đây có thể là điều mà xã hội chúng ta sẽ phải đối mặt trong vài thập kỷ tới, hy vọng rằng sẽ có nhiều sự chăm sóc tốt hơn trong cộng đồng, thì những người trẻ tuổi mới có thể được giải phóng và để họ thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình."
- Thứ hai, đối với thế hệ trẻ 9X hay 2K, vấn đề nan giải hơn mà họ phải đối mặt là làm thế nào để tìm được một công việc lý tưởng, thay vì loại nghề nghiệp mà họ phải dồn toàn bộ cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, phải tạo ra cơ hội việc làm cởi mở và đa dạng hơn. Tu Jiong tin rằng, trong bối cảnh xã hội già hóa của Trung Quốc, “thiếu hụt lao động” cũng là một vấn đề mà họ sẽ sớm phải đối mặt. Nếu nhiều người bỏ việc và trở về với gia đình, đối với sự vận hành của toàn xã hội cho dù tốt hay xấu, cũng đáng để phải thảo luận. “Mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ ở độ tuổi phù hợp, có thể cống hiến hết mình tại nơi làm việc, để phát triển giá trị bản thân và đóng góp tốt hơn cho xã hội.”
Lê Thúy (TH)