STNN - Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, bên cạnh hình thức quảng bá, mua bán truyền thống, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang được nhiều tổ chức, cá nhân chú trọng.
- Nông sản Vĩnh Long lên sàn thương mại điện tử với tên miền “.vn”
- Đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử nước ngoài
Nắm bắt xu thế
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã linh hoạt sử dụng các nền tảng TMĐT, mạng xã hội để bán hàng nông sản. 04 năm qua, cửa hàng rau, quả sạch của nhóm anh Huỳnh Tiến Giàu (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) đã sử dụng các mạng xã hội như: Zalo, Facebook làm kênh mua bán các loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, mít, sầu riêng. Theo anh Giàu, ban đầu, cửa hàng được lập ra trên mạng xã hội chủ yếu để bán xoài. Về sau, lượng khách hàng ngày càng đông và yêu cầu thêm nhiều loại trái cây khác nên cửa hàng mới cung ứng thêm các nông sản khác. Trung bình mỗi mùa, cửa hàng của nhóm anh Giàu bán được khoảng 07 tấn xoài và 20 tấn sầu riêng.
Anh Giàu cho biết: "Việc bán hàng qua mạng xã hội thuận lợi hơn so với bán qua thương lái, đầu mối truyền thống. Chúng tôi có thể chủ động đơn hàng và có thêm nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, bán hàng qua mạng xã hội yêu cầu mình phải tự làm thêm các khâu tuyển chọn, đóng gói và giao hàng. Cùng với đó, chất lượng nông sản cũng phải được đảm bảo gần như tuyệt đối để đảm bảo uy tín của cửa hàng".
Hợp tác xã (HTX) Sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ trái sơ ri, trong đó mứt là mặt hàng chủ lực. Việc sản xuất các sản phẩm từ trái sơ ri đã góp phần nâng cao giá trị cho loại trái đặc sản này, giúp thương hiệu sơ ri Gò Công được nhiều người biết đến. Ông Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc HTX Sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông cho biết, thời gian đầu, HTX chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Với việc buôn bán hàng qua hệ thống mạng đã giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, không chỉ ở khu vực miền Nam mà ngay cả các tỉnh, thành miền Trung và miền Bắc.
Thay đổi tư duy
Trên thực tế, hiện việc đưa nông sản lên sản TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn. Việc chậm tiếp cận, thay đổi phương thức kinh doanh mới đang là rào cản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay. Do đó, để nông sản tỉnh nhà ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn TMĐT, bên cạnh sự thay đổi của nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần có sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng.
Theo Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 370/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, Nông nghiệp là một trong 08 ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Theo đó, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch… là một trong những nội dung hướng tới. Việc đẩy mạnh phát triển TMĐT là một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng TMĐT, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sẩn phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, triển khai các gian hàng trên các sàn TMĐT Postmart, Voso, sàn giao dịch TMĐT tỉnh Tiền Giang (TienGiang Trade). Theo thống kê từ Cổng Thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), đến hết quý II/2022, tỉnh Tiền Giang có 178.667 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT (voso.vn và postmart.vn), với 1.031 loại sản phẩm và 4.355 lượt giao dịch trên các sàn TMĐT.
Theo Sở TTTT, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT/thí điểm chuyển đổi số của ngành. Để hỗ trợ người dân và các cơ sở kinh doanh, trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: 60 lớp về chuyển đổi số, kỹ năng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; các lớp tập huấn về chuyển đổi số và kỹ năng số trong doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước; các lớp chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn bảo mật thông tin. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức 02 đợt tập huấn cho 1.749 Tổ Công nghệ số cộng đồng với hơn 10.000 thành viên trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị các kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho các thành viên. Qua đó, các thành viên có thể hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Văn Đậm, Phó Giám đốc Sở TTTT, trong thời gian tới, ngành TTTT sẽ tăng cường công tác tập huấn và định hướng để các Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả. Đây sẽ là lực lượng trực tiếp hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị số, công nghệ số, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… Cùng với đó, Sở TTTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung trọng tâm như: Thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hành chính; TMĐT. Đặc biệt, ngành TTTT sẽ chú trọng tuyên truyền về lợi ích của việc đưa các mặt hàng nông sản lên các sàn TMĐT đến các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, TMĐT, phát triển kinh tế số.
C. Thắng - M. Thành (tiengiang.gov.vn)