Đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử nước ngoài

Ngày 30/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức họp báo công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com”.

Họp báo công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com”.

Đây là chương trình trong khuôn khổ hợp tác về thương mại điện tử cấp Chính phủ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tập đoàn JD cùng các đối tác vận hành tại Việt Nam gồm: Visa, Vinanutrifood, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), VPBank,… hợp tác xây dựng và phát triển “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên nền tảng thương mại điện tử của JD hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, những tín hiệu tích cực từ “Gian hàng Việt trực tuyến” trong nước triển khai là nền tảng để xây dựng chương trình đưa hàng Việt đến với các thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hợp tác với Viettel Post trong vụ vải thiều năm nay là một dấu mốc quan trọng đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.

Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phát triển và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt ra thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả hơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Tập đoàn JD và các đối tác trong nước, ngoài nước đưa vào vận hành mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới B2B2C thông qua “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.

“Gian hàng quốc gia Việt Nam” sẽ là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung do phía Việt Nam chủ trì triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình.

Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên hệ thống của JD theo đúng quy định của Sàn thương mại điện tử và của luật pháp nước nhập khẩu, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

JD là tập đoàn kinh doanh thương mại điện tử có quy mô lớn thứ hai tại Trung Quốc (sau Alibaba), là tập đoàn bán lẻ quy mô lớn nhất bao gồm các hình thức tự kinh doanh (JD Trading) và Siêu thị – Thương mại điện tử B2C – hệ thống cửa hàng của riêng JD với mô hình quản lý chặt chẽ từ nhà sản xuất, chất lượng hàng hóa bán trên JD được thẩm định kỹ càng. Ngoài ra, JD có hệ thống logistics do chính JD đầu tư vận hành là một trong những hệ thống có độ phủ lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc hiện nay. Với những lợi thế đó, Tập đoàn JD là đối tác phù hợp và là cửa ngõ đầu tiên để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Trung Quốc một cách chính quy, chuẩn tắc phù hợp với thương mại điện tử quốc tế.

Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất kết nối trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu. Hình thức này sẽ giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm của doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt đến người dùng cuối tại nhiều thị trường mà không phải qua các khâu trung gian, có thể giúp phát triển và duy trì thương hiệu của sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu. Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại nhiều rào cản và tốn kém chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây