Đến hết năm 2024, huyện Krông Pắc sẽ có hơn 1.400 ha trồng sầu riêng đạt chuẩn VietGAP

STNN - Huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) hiện có khoảng trên 10.000 ha đất trồng sầu riêng với sản lượng dự kiến thu được khoảng gần 85.000 tấn và cũng đã có 37 vùng trồng sầu riêng, 17 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt cấp mã số vùng trồng. Địa phương này đang nỗ lực để đến hết năm 2024 sẽ có hơn 1.400 ha sầu riêng đạt chuẩn VietGAP.

Phù hợp phát triển cây sầu riêng

Huyện Krông Pắc có tổng diện tích tự nhiên là 62.576 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có 52.320 ha bao gồm: đất trồng cây hằng năm với 15.916 ha; đất trồng cây lâu năm là 33.190 ha và đất rừng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp khác là 3.214 ha.

Mặc dù là huyện miền núi, nhưng Krông Pắc có địa hình tương đối bằng phẳng, phần lớn đất đai màu mỡ, thuận lợi phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm. Các loại cây trồng chính ở địa bàn như cà phê khoảng 20.106 ha, lúa nước khoảng gần 17.000ha/năm; cây sầu riêng ăn trái có diện tích hiện nay khoảng trên 10.000 ha, trong đó diện tích cho ra sản phẩm khoảng 3.900 ha và diện tích kiến thiết trên 6.100 ha.

Đối với cây sầu riêng, giống cây này được đưa vào xen canh trong vườn cà phê tại huyện Krông Pắc năm 2004. Ban đầu do Công ty cà phê Phước An triển khai thực hiện từ xã Ea Yông trên diện tích khoảng 400 ha. Kết quả cho thấy khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp tai đây rất phù hợp để trồng cây sầu riêng để đem lại giá trị sản xuất cao. Đồng thời, sản phẩm sầu riêng Krông Pắc cũng có những ưu thế về chất lượng phẩm chất vượt trội so với các địa phương khác.

Từ những kết quả đó, "Sầu riêng Krông Pắc" được xác định sầu riêng là cây trồng chính, chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế cho huyện theo mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Tính đến tháng 3/2023, diện tích sầu riêng trên toàn huyện có 7.157 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 3.042 ha. Diện tích được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc, Hòa Đông và một số xã khác.

Toàn huyện cũng đã có 902 ha với 838 hộ dân sản xuất đã được kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Địa điểm trồng đạt chuẩn VietGAP cũng tập trung tại tại xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc và Hòa Đông.

 Đến hết năm 2024, Krông Pắc sẽ có hơn 1.400 ha trồng sầu riêng đạt chuẩn VietGAP
Tính đến 30/4/2024, huyện Krông Pắc có 37 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng.

Cũng trong năm 2023, huyện Krông Pắc có 153 cơ sở, đại lý, doanh nghiệp thực hiện thu mua sầu riêng. Để hỗ trợ tốt nhất cho kinh doanh, tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn, UBND huyện đã tổ chức "Hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Sầu riêng năm 2023" đồng thời kết hợp Hội nghị giới thiệu kết nối du lịch của huyện với các Khu, cụm công nghiệp TP.HCM.

Trong vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023 (từ tháng 7/2023 đến cuối tháng 10/2023), tổng sản lượng sầu riêng của huyện Krông Pắc là 61.157 tấn, năng suất bình quân đạt 201 tạ/ha cho sản phẩm. Với giá bán trung bình từ 75.000 - 80.000đ/kg, giá trị sản xuất sầu riêng ước tính thu được khoảng 4.590 - 4.890 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của người trồng sầu riêng ước đạt 1,1 – 1,5 tỷ đồng/ha.

Lập “hồ sơ” cho sầu riêng

Thực hiện theo Công văn số 1776/BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phúc vụ xuất khẩu và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, huyện Krông Pắc đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT tham mưu hướng dẫn và triển khai công tác hướng dẫn thiết lập hồ sơ, quản lý giám sát vùng trồng xuất khẩu theo đúng quy định hướng dẫn đến các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tháng 8/2023, sau khi ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch giữa Bộ NN-PTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, huyện Krông Pắc cũng đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để tiếp nhận toàn bộ hồ sơ 34 mã số vùng trồng với diện tích 1.852 ha và 14 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được phê duyệt trên địa bàn huyện. Đồng thời cũng tiến hành việc kiểm tra và giám sát toàn bộ 34 mã vùng trồng theo quy định hướng dẫn về giám sát định kỳ đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Thông qua giám sát định kỳ, Tổ công tác giám sát huyện tập trung hướng dẫn khắc phục các nội dung chưa đầy đủ tại Công văn số 2237/SNN-TTBVTV ngày 27/6/2023. Góp phần đảm bảo toàn bộ các vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu theo đúng yêu cầu của Cục Hải quan Trung Quốc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đóng gói xuất khẩu sầu riêng trog năm 2023.

Tiếp đó, UBND huyện Krông Pắc chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với các xã, thị trấn và các Trạm Trồng trọt và BVTT, Trạm Khuyến nông tiếp tục hướng dẫn cho các hộ dân, nhóm hộ dân sản xuất sầu riêng trên địa bàn có nhu cầu thiết lập mã vùng trồng xuất khẩu; tiếp nhận kiểm tra hướng dẫn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đúng theo quy định và tổng hợp báo cáo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN-PTNT) đề xuất Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) phê duyệt hồ sơ cấp mã nội địa, gửi hồ sơ cho Cục Hải quan Trung Quốc tiếp nhận kiểm tra trực tuyến để đánh giá phê duyệt.

Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Phòng NN-PTNT đã hướng dẫn thiết lập, tiếp nhận hồ sơ đề nghị 26 vùng trồng sầu riêng với diện tích 816 ha, đã thực hiện kiểm tra thực địa, thẩm định và báo cáo Chi cục Trồng trọt và BVTV đề xuất đề nghị kiểm tra cấp mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu. Lũy kế đến thời điểm 30/4/2024, huyện Krông Pắc có 37 vùng trồng sầu riêng và 17 cơ sở đóng gói được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

 Đến hết năm 2024, Krông Pắc sẽ có hơn 1.400 ha trồng sầu riêng đạt chuẩn VietGAP
Huyện Krông Pắc đang rất nỗ lực để đến hết năm 2024 sẽ có 1.402 ha trồng sầu riêng đạt chuẩn VietGAP.

Theo kế hoạch phát triển sản xuất cây sầu riêng năm 2024, trên địa bàn huyện Krông Pắc  ước tính có khoảng hơn 10.000 ha trồng sầu riêng, tăng thêm khoảng 4.000 ha trồng mới so với năm 2023 và có thể tăng thêm trong thời gian cuối năm 2024. Trong đó, có khoảng 3.900 ha cho sản phẩm và sản lượng dự kiến thu khoảng 83.000 - 85.000 tấn, giá trị sản xuất ước đạt khoảng  6.370 - 6.800 tỷ đồng. Tổng số diện tích sản xuất được đánh giá chứng nhận VietGAP lũy kế đến cuối năm 2024 toàn huyện đạt 1.402 ha, tăng 500 ha so với 2023.

Để hiện thực hóa điều này, UBND huyện Krông Pắc đã đưa ra một đó nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Cụ thể, đối với công tác sản xuất, UBND huyện Krông Pắc đã triển khai hội nghị Ngành NN-PTNT chỉ đạo giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất và nhiệm vụ cho UBND các xã, thị trấn và các phòng ban chuyên môn. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác hướng dẫn sản xuất theo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao, bố trí nguồn kinh phí cho Phòng NN-PTNT huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác quản lý cấp mã vùng trồng, hướng dẫn áp dụng đánh giá chứng nhận VietGap trên cây sầu riêng.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền và phổ biến các quy định về công tác thiết lập, quản lý, giám sát phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ sản xuất sầu riêng theo quy định của thị trường nhập khẩu và theo chỉ đạo của Huyện ủy.

Tăng cường cũng cố liên kết sản xuất với các hộ dân vùng trồng để đảm bảo sản xuất đúng yêu cầu kỹ thuật vùng trồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng.

Tăng cường, đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm sầu riêng Krông Pắc. Xây dựng và triển khai thực hiện tổ chức Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắc năm 2024 (dự kiến từ 30/8 đến ngày 3/9/2024). Tại Lễ hội, huyện tổ chức một số hoạt động như: tham quan, trải nghiệm, thưởng thức sầu riêng; tổ chức Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững trên địa bàn huyện Krông Pắc; tổ chức Hội chợ trưng bày sản phẩm thương mại, OCOP và sản phẩm sầu riêng của huyện. Bên cạnh đó, các hoạt động văn khóa khác sẽ được diễn gia song song với không gian Lễ hội.

Ngoài ra, huyện Krông Pắc cũng đã có báo cáo đề xuất với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk tham mưu với UBND tỉnh có văn bản kiến nghị với Bộ NN-PTNT sớm có văn bản hướng dẫn về chế tài trong quản lý giám sát vùng trồng và sản xuất nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của các thành phần tham gia trong quá trình sản xuất sầu riêng xuất khẩu trong năm 2024 và các năm tiếp theo được ổn định, an toàn, bền vững.

Anh Đức - Viết Cừu