STNN - Nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh của Tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển ngành du lịch theo định hướng: "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".
- Phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững
- Phát triển du lịch theo hướng bền vững, thông minh và sáng tạo
Ngày Du lịch Thế giới (27/9) được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) của Liên hợp quốc đặt ra nhằm tôn vinh và tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây chính là cơ hội để các quốc gia, tổ chức và cá nhân trên toàn cầu tăng cường hợp tác và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo để ngành du lịch phát triển một cách bền vững.
Ngày Du lịch Thế giới đã trở thành một sự kiện quốc tế quan trọng, với các hoạt động được tổ chức trên khắp thế giới dưới những hình thức khác nhau, như: hội thảo, diễn thuyết, triển lãm, trao giải thưởng vinh danh đối với những thành tựu và đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong ngành du lịch,…
“Du lịch và đầu tư xanh” – khó nhưng nỗ lực là có thành công
Ngày Du lịch Thế giới mỗi năm đều có một chủ đề khác nhau nhằm tập trung vào các vấn đề quan trọng và thách thức mà ngành du lịch đang phải đối mặt. Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới quyết định Ngày Du lịch Thế giới (27/9) năm 2023 mang chủ đề: “Du lịch và đầu tư xanh”. Năm nay, lễ kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới sẽ được tổ chức vào ngày 27/9 tại Riyadh, Saudi Arabia.
Du lịch và đầu tư xanh là hai khái niệm đang trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành du lịch. Trước hết, nó góp phần duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch và đầu tư lên môi trường. Bên cạnh đó, du lịch và đầu tư xanh còn góp phần tạo ra thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Trên thực tế, việc phát triển du lịch xanh không phải dễ dàng, song nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện thành công các chiến lược phát triển du lịch xanh cũng như giải quyết các vấn đề thách thức: xả thải khí nhà kính và tiêu thụ năng lượng; quản lý rác thải; suy giảm đa dạng sinh học; quy hoạch và quản lý nhà nước;… Có thể nói, đây chính là một trong những xu hướng tất yếu của việc phát triển ngành du lịch trong hiện tại và tương lai.
Trên thế giới, đã có những dự án du lịch rất thành công khi áp dụng mô hình du lịch xanh. Có thể kể đến Maldives, một quốc đảo nằm ở phía Nam quần đảo Lakshadweep thuộc Ấn Độ Dương. Hiện tại, quốc đảo này đang nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời với mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và chi phí phát điện. Với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ cùng người dân, du lịch Maldives đang phát triển chuyên nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Việt Nam phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhấn mạnh, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là dịp để điều chỉnh lại phương hướng, cách thức đầu tư vào ngành du lịch nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, UNWTO đã xác định đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với sự phục hồi, tăng trưởng và phát triển của du lịch trong tương lai.
Ở Việt Nam, mô hình phát triển du lịch xanh được Chính phủ quan tâm. Trong cuộc hội thảo đánh giá môi trường chiến lược của “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng phát triển du lịch từ năm 2011 đến nay, xây dựng kịch bản và các giải pháp phát triển du lịch đến năm 2030 trên toàn đất nước, Chính phủ đã đặt trọng tâm phát triển du lịch theo hướng bền vững - phát triển du lịch xanh hóa. Vậy nên, các chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại đều được triển khai theo định hướng "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".
Nhằm khẳng định và hiện thực hóa chủ trương trên, các Năm du lịch quốc gia 2022 và 2023 đều chọn chủ đề về du lịch xanh. Trong đó, Năm Du lịch quốc gia 2022 có chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” với chủ trương và định hướng xuyên suốt là "phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển" nhằm lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, bền vững; chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận được lựa chọn là “Bình Thuận - Hội tụ xanh” cũng là lời khẳng định không chỉ phát triển du lịch đơn thuần, mà xa hơn là phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững.
Thực hiện nhất quán từ chủ trương đến hành động, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng tích cực phát triển ngành du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh, như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Lâm Đồng,… Theo đó, Đà Nẵng tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh cho giao thông và đô thị, áp dụng công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường;…
Có thể thấy, phát triển du lịch xanh là xu thế tất yếu cho ngành du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, mô hình này không chỉ là chìa khóa phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu mà còn là nội dung chiến lược quan trọng nhằm nâng cao chất lượng của ngành du lịch Việt Nam.
Thông tin thêm về Tổ chức Du lịch Thế giới
Tổ chức Du lịch Thế giới viết tắt là UNWTO (World Tourism Organization) là một cơ quan của Liên hợp quốc nắm bắt mọi vấn đề liên quan đến du lịch trên toàn thế giới. UNWTO là cơ quan chịu trách nhiệm cho việc thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, bền vững và có thể tiếp cận. |
Bài và ảnh: Du Nhiên