Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023

STNN – Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023 sẽ được tổ chức tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, từ ngày 11 – 15/12/2023. Dự kiến, có khoảng 500 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP; ẩm thực các món ngon từ gạo; giới thiệu các loại máy, thiết bị bay phục vụ sản xuất lúa,…

Festival quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam 2023 Đây là sự kiện Chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập tỉnh Hậu Giang (01/01/2004 – 01/01/2024), với chủ đề tuyên truyền “Phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững”.

Sự kiện góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Thực hiện kế hoạch phát triển bền vững Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long góp phần to lớn trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26; Thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn; hỗ trỡ các doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả và giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Đồng thời, đây cũng là sự kiện có ý nghĩa chào mừng xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục mới, với 7,1 triệu tấn gạo và 4 tỷ USD sau 10 tháng. Với kết quả này, dự kiến cả năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ chạm mốc 8 triệu tấn và kim ngạch đạt 4,5-4,8 tỷ USD…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo 2023 được tổ chức tại Hậu Giang không chỉ là niềm tự hào của tỉnh mà còn là niềm tự hào của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đây là sự kiện quy mô, tầm cỡ nhất trong suốt hành trình 14 năm kể từ khi Festival lúa gạo lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2009.

Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự “chuyển mình” của ngành hàng lúa gạo từ giá bán thấp sang lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, lúa gạo là cây trồng chủ lực, là thương hiệu, là hình ảnh mà mỗi khi nhắc tới là bạn bè quốc tế sẽ nghĩ đến Việt Nam. Do đó, phương tiện sản xuất, vật tư nông nghiệp… trong hệ sinh thái ngành hàng đều có thể khai thác các câu chuyện, hình ảnh liên quan để có cái nhìn toàn diện và nâng tầm hạt gạo.

Hồng Khánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây