Nhiều nghiên cứu đã cho thấy trong cây đinh lăng, nhất là ở rễ củ có chứa rất nhiều chất có tác dụng bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh. Đặc biệt, trong cây đinh lăng chứa các hợp chất saponin tương tự như trong nhân sâm. Trong một số trường hợp, rễ củ đinh lăng được thay thế cho nhân sâm như là một nguyên liệu dễ tìm ở Việt Nam. Theo danh mục các loài dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường được Bộ Y tế ban hành (04/01/2012), cây đinh lăng là 1 trong 40 loài có tiềm năng khai thác và phát triển.
Diện tích trồng cây đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Trà Vinh ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển mở rộng diện tích canh tác như hiện nay sẽ dẫn đến hiện tượng thừa nguồn cung cây đinh lăng tại địa bàn, tạo nên sự phát triển không bền vững dược liệu này. Vì vậy, việc đa dạng hóa các sản phẩm từ cây đinh lăng theo chuỗi giá trị là cần thiết tại tỉnh Trà Vinh. Trước thực trạng đó, được sự đề xuất của doanh nghiệp và thống nhất của tỉnh Trà Vinh, đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất bột và trà hòa tan từ dịch li trích cây đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa L. Harms)” mã số UDNGDP.04/21-22, được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với tỉnh Trà Vinh, do ThS. Trần Thị Linh Giang – Viện Sinh học nhiệt đới (nay là Viện Khoa học sự sống) làm chủ nhiệm.

Đề tài đã xây dựng được quy trình li trích bột dược liệu đinh lăng lá nhỏ nhằm thu nhận hàm lượng saponin triterpenoid cao nhất bằng phương pháp ngâm dầm, với các thông số: Kích thước dược liệu 0,25 mm, dung môi ethanol 80%, tỉ lệ nguyên liệu/dung môi là 1/10 (g/mL), thời gian chiết 24 giờ và số lần chiết là 2.
Tiếp theo đó, đề tài đã tiến hành xây dựng quy trình tạo bột hòa tan đinh lăng lá nhỏ trên Thiết bị sấy phun sương tự động TPS-3, bộ phun sương hoạt động bằng khí nén, với công suất phun sương 3 kg/giờ. Với các thông số quy trình như sau: Nồng độ cao chiết 15oBx, chất mang maltodextrin 10%, nhiệt độ sấy phun 200oC và lưu lượng dịch cao chiết 1500 mL/h.
Tiếp tục hoàn thiện công thức trà hòa tan chứa bột hòa tan cây đinh lăng lá nhỏ với các thành phần bột hòa tan: mannitol: maltodextrin: PEG 4000: aerosil: potassium sorbate theo tỉ lệ 2: 40: 51,97: 4: 2: 0,03 (%). Bột trà thu nhận được có chất lượng tốt và thỏa mãn quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học hóa học trong thực phẩm.

Trà hòa tan là bột có màu vàng sáng, tơi xốp, không bị vón cục. Nước pha trà có màu vàng nhạt, trạng thái trong, có mùi thơm đặc trưng của đinh lăng. Sản phẩm có vị hơi đắng của đinh lăng và vị ngọt thanh của mannitol, khá hài hòa, hậu vị ngọt; Độ ẩm 2,4 %; Độ tro 4,2 %; Độ đồng đều khối lượng từ 9,9 – 10,1g; Tan hoàn toàn trong nước ấm; Định tính cho thấy xuất hiện các vết màu tím nhạt, tương đồng với mẫu dược liệu, có giá trị vạch Rf và màu cùng với trùng với oleanolic acid; Hàm lượng saponin triterpenoide tổng từ 37,35-38,35 mg/túi và oleanolic acid từ 3,28-3,45 mg/túi; Tổng số vi khuẩn hiếu khí có thể sống lại được không quá 104 khuẩn lạc trong 1 g chế phẩm; Không có vi khuẩn gây bệnh: Salmonella, Escherichia; Tổng số nấm men và nấm mốc không quá 102 trong 1 g chế phẩm; Không phát hiện kim loại nặng. Như vậy, sản phẩm trà hòa tan đạt tiêu chuẩn cơ sở.
Dựa trên công thức trà đã được xây dựng, đề tài đã triển khai sản xuất thử nghiệm quy trình tạo trà hòa tan chứa bột đinh lăng lá nhỏ với qui mô 10.000 túi/mẻ. Sản phẩm túi trà (10g/túi) đạt độ ổn định trong 90 ngày khảo sát.
Kết quả của đề tài nhằm đa dạng hóa sản phẩm giúp phát triển ổn định và bền vững nghề trồng dược liệu đinh lăng theo hướng liên kết chuỗi, góp phần nâng cao đời sống nông hộ và phát triển nông thôn tại tỉnh Trà Vinh.