Thông tư mới quy định ba hình thức kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản

STNN - Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BNNMT quy định ba hình thức kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lâm sản.

Theo đó, đối tượng kiểm tra bao gồm các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến lâm sản, cụ thể như: khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, mua bán, chuyển quyền sở hữu, xuất khẩu, nhập khẩu, cất giữ lâm sản; nuôi động vật rừng, trồng thực vật rừng và thực hiện việc đánh dấu mẫu vật. Việc kiểm tra do Tổ kiểm tra hoặc Đoàn kiểm tra (sau đây gọi chung là Tổ kiểm tra) của cơ quan Kiểm lâm thực hiện khi có quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền, trừ các trường hợp kiểm tra đột xuất.

Thông tư 26/2025/TT-BNNMT quy định ba hình thức kiểm tra lâm sản gồm: kiểm tra theo kế hoạch, theo chuyên đề và kiểm tra đột xuất.

Kiểm tra theo kế hoạch: Được xây dựng, phê duyệt trước ngày 30/11 hằng năm; trường hợp có phát sinh hoặc chỉ đạo từ cấp trên thì được điều chỉnh và thông báo đến các bên liên quan trước ngày 31/12 hoặc sau khi có điều chỉnh.

Kiểm tra theo chuyên đề: Được thực hiện khi có nhu cầu quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong thực tiễn tại địa bàn.

Kiểm tra đột xuất: Áp dụng khi có các căn cứ như: thông tin từ báo chí, đơn thư, phản ánh, phát hiện vi phạm quả tang, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Công chức Kiểm lâm có trách nhiệm thu thập, tiếp nhận, báo cáo kịp thời các thông tin vi phạm để thủ trưởng cơ quan xử lý, chỉ đạo kiểm tra và quản lý thông tin theo chế độ tài liệu mật.

Thông tư số 26/2025/TT-BNNMT cũng quy định rõ thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra của Kiểm lâm. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng.

Lê Khánh