STNN - Chiều 13/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức thành công “Sự kiện Gặp gỡ 2022 vì Hợp tác và Phát triển”.
- Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng tại Hội nghị đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam
- Nâng cao vai trò của báo chí trong công tác phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện
Dự Lễ Gặp gỡ có các lãnh đạo Thường trực Liên hiệp Hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Xuân Dũng (Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết: “Năm 2022 là một năm đầy biến động và khó khăn, đặt ra những thử thách đối với hầu hết mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, với các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức nói chung và tổ chức khoa học công nghệ thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng.
Những thách thức ấy xuất phát từ diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, do đại dịch Covid vẫn còn dư âm.
Trong bối cảnh ấy, Liên hiệp Hội Việt Nam cùng với các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã không ngừng nỗ lực thực hiện quyết liệt các kế hoạch đã đề ra và giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề phức tạp phát sinh. Từ đó, khẳng định được vai trò và vị thế của một tổ chức đại diện và tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN của Việt Nam đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước”.
Theo Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, trong năm qua, Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện nhiều công việc mang tính chiến lược, khẳng định được vai trò và vị thế của một tổ chức đại diện và tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN của Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, những giá trị đóng góp về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tới nhân dân, nâng cao sức khỏe và đời sống người dân, giải pháp ứng dụng KH&CN thích ứng biến đổi khí hậu và các mô hình, giải pháp sáng tạo khác đang được triển khai ở khắp nơi, đến với từng bản làng, từng hộ gia đình.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh thêm: “Những thành tựu ấy, kết quả ấy thật khó có thể định lượng đo đếm. Bởi vì chúng không chỉ được phản ánh ở số lượng kinh phí đã huy động được, không chỉ được phản ánh ở số lượng bài báo đã được công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế, mà còn ở những thay đổi từng ngày trong nhận thức, hành động của cộng đồng. Đó còn là những cuộc đời được thắp thêm hy vọng, những sinh mạng được cứu sống nhờ sự hiểu biết do tri thức khoa học mang lại và nhờ tinh thần tương trợ lẫn nhau của cộng đồng khi tham gia cùng thực hiện các đề tài, dự án, sáng kiến. Tôi tin tưởng đó mới là những kết quả đáng để chúng ta tự hào hơn hết”.
Năm 2022 cũng là năm của sự chuyển đổi, dưới sự tác động cả về môi trường chính sách, môi trường công nghệ chuyển đổi số, cùng với tác động của 3 năm chống dịch Covid khiến cho chúng ta đã thay đổi cả về nhận thức lẫn phương thức hoạt động.
Chính vì vậy, một số tổ chức KH&CN trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, dù đã thành công trong 10 năm qua nhưng cũng đã quyết định chuyển đổi sang mô hình hoạt động khác phù hợp hơn với thực tiễn và với điều kiện, thế mạnh của những nhà sáng lập; chú trọng nhiều hơn vào các lĩnh vực KH&CN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với cung cấp dịch vụ KH&CN mới hiện đại. Đây cũng chính là điều tất yếu của sự phát triển.
Trong Báo cáo Tổng kết hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2022, ông Lê Công Lương (Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết: “Việc đẩy nhanh quá trình tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập sẽ phần nào thu hút trí thức KH&CN. Hầu hết các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam có đội ngũ cán bộ quản lý là các nhà khoa học, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm nên rất thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, ứng dụng các kiến thức, tri thức KH&CN trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, phát triển nông nghiệp bền vững, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tham gia vào các công đoạn xây dựng chính sách”.
Ông Lê Công Lương còn nhấn mạnh: “Nhiều đơn vị có đội ngũ nhân lực đã có thâm niên làm việc trong tổ chức quốc tế, có kinh nghiệm và năng lực để thực hiện, quản lý dự án. Có đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, nhiệt huyết và đã tạo dựng được uy tín với các nhà tài trợ trong nước và quốc tế. Đồng thời, tạo dựng được giá trị riêng và khác biệt; có đội ngũ khoa học phù hợp, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động; có sự tin cậy của đối tác và đồng nghiệp ở các đơn vị ngoài”.
Tại buổi Gặp gỡ, cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn viện trợ phát triển của các quốc gia và tổ chức quốc tế ngày càng hạn chế, do vậy quá trình tiếp cận nguồn vốn tài trợ ngày càng cạnh tranh, quá trình xây dựng dự án cũng mất nhiều thời gian. Các tổ chức KH&CN ngoài công lập chưa có nguồn tài chính thực sự mang tính bền vững và lâu dài, dẫn đến gặp không ít khó khăn để duy trì nhân lực bền vững. Ngoài ra, các tổ chức KH&CN còn khó tiếp cận các đề tài, dự án từ nguồn ngân sách KH&CN, với cơ quan quản lý về KH&CN ở cả Trung ương và địa phương vì thủ tục tuyển chọn đòi hỏi đối với nhiều tổ chức rất khó đáp ứng về năng lực thiết bị, về vốn, mặc dù nhiều tổ chức KH&CN tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi,... Đây là những vấn đề được đưa ra để các thành viên cùng bàn bạc, khắc phục. Qua đó, tạo tiền đề cho sự phát triển KH&CN trong tương lai.
Mai Chi