Vượt qua định kiến, vượt qua mọi lời cản ngăn, qua biết bao lần chinh phục những cung đường đèo ôm cua liên tục, Hoàng Thương từ Quảng Trị lên vùng cao Hà Giang khởi nghiệp với thương hiệu Thương Shan – trà thiên nhiên, với niềm khao khát mang tinh hoa trà Việt tới mọi người.
Tuổi thơ gắn bó với những gốc trà trăm tuổi
Thương sinh ra trong gia đình có ba nghiện trà (chính xác là nghiện chè xanh nấu đặc). Ông nội Thương từng làm quản lý hành chính Nhà máy chè Phú Thọ và Nhà máy chè Thái Nguyên trước khi nghỉ hưu. Ông chính là nguồn động lực để cô cháu gái quyết tâm khởi nghiệp với trà. Nhà Thương được bao quanh bởi những cây chè. Có những gốc chè đến nay đã trên dưới 100 năm tuổi. Không riêng nhà cô mà cả vùng quê "Cùa" rất nhiều gia đình vẫn giữ được những gốc chè lâu năm như vậy.
Vùng Cùa gồm 2 xã miền núi, đất đỏ bazan. Từ xưa, cây chè nơi đây được xem là đặc sản của vùng, cũng là đặc sản của tỉnh Quảng Trị. Hồi Thương còn bé, mỗi khi nhà có khách, ba hay sai con gái đi hái chè để đun trà tiếp khách. Bao giờ ba cũng dặn ở mỗi cây chỉ nên hái 2-3 cành. Hái ở 3-5 cây là Thương đã có một nắm “nguyên liệu” mang về nấu chè xanh để ba mời khách. Ba mẹ bảo đó là bí quyết, trà được gom từ nhiều cây sẽ cho nước có mùi vị thơm hơn, đủ vị hơn khi chỉ hái ở một cây. Nhưng đó là cách nấu trà thuở trước, còn thời nay mọi người hãm trà chứ không nấu trà nữa vì nấu trà vừa lâu mà hương vị lại không ngon bằng trà được hãm đúng cách.
Từ Quảng Trị đến Hà Giang
Chè quê phát triển tự nhiên, không có sự can thiệp của phân hay thuốc. Ở vùng đất Quảng Trị nắng và gió quê Thương, từ đám cưới, giỗ chạp, ma chay… mọi việc đều không thể thiếu chè xanh. Trà gắn bó thân thiết với cuộc sống của người dân vùng “Cùa” trong suốt cả vòng đời người. Trẻ nhỏ thì được tắm bằng nước chè, rửa cũng chè, xông cũng chè. Khi lớn lên, trưởng thành rồi xa cõi tạm, cây chè, chén trà cũng gắn bó không rời.
Lớn lên cùng với cây chè nên câu hỏi: “Chè cổ thụ còn ít, sao không bảo tồn? Cứ tận thu thì sau này còn đâu giống chè quý nữa?” cứ vang mãi trong đầu Thương. Quê Thương diện tích nhỏ, có ít chè nên Thương chọn Hà Giang là điểm đến để thỏa mãn niềm đam mê với trà và thực hiện ước mơ mang trà thiên nhiên đến mọi người. Thương muốn lan tỏa, gìn giữ, bảo tồn văn hóa xưa của cha ông. Với cô, trà thiên nhiên tốt cho sức khỏe thôi chưa đủ mà còn phải phù hợp với thu nhập của người Việt; mùi, vị, hương phải chinh phục được nhiều thế hệ từ ông, bà, đến cả các em bé.
Đặt ra yêu cầu cao với bản thân như vậy, Thương không quản ngày đêm sưu tầm trên 10 dòng trà cổ thiên nhiên. Dù trời nắng hay mưa, với đôi chân không quản ngại, cô leo núi, đi thăm từng gốc chè cổ lâu năm thuộc địa phận tỉnh Hà Giang. Cô quan sát, ăn ở nhà dân, học hỏi từ già làng, nghệ nhân chè Hà Giang để hiểu cặn kẽ về nguồn chè, về văn hóa... Càng ngày cô càng thêm yêu con người, vùng đất địa đầu Tổ quốc này và miệt mài lan tỏa vẻ đẹp tinh túy, tiềm ẩn của núi rừng Hà Giang đến với bạn bè muôn nơi, góp phần làm sống dậy thói quen thưởng trà mộc mạc và tinh hoa của người Việt.
Càng tìm hiểu, trải nghiệm nhiều về trà, về núi rừng, Thương càng nhận ra nguồn cội của cha ông xưa. Việt Nam có dòng trà cổ thụ quý hiếm, hội tụ tinh hoa của mây, gió, núi ngàn và thổ nhưỡng tinh khiết. “Trà cổ là món quà Mẹ Thiên Nhiên ban tặng cho con người, vì vậy chúng ta cần gìn giữ, trao truyền đến thế hệ sau”, Thương chia sẻ. Thương còn cất công sưu tầm nhiều dòng trà có mùi vị nhẹ nhàng như hương hoa dành cho phái nữ và trẻ em; trà có vị đậm đà, chát nhẹ đặc trưng của trà xanh phù hợp với nam giới. Hướng đi của cô “đánh thức” giới nữ thưởng trà nên cách pha trà cũng cực kỳ đơn giản, tiện lợi mà vẫn hiệu quả và giữ nguyên hương vị của trà. May mắn và hạnh phúc vô cùng Thương làm được điều đó! Cô bảo: “Giờ đây, dù ở nơi đâu, dù bình minh hay đêm muộn, dù đói hay no, phụ nữ hay trẻ em cũng thoải mái thưởng trà”. Ngoài những dòng trà làm nên thương hiệu Thương Shan, như: Nụ Móng Rồng, Nụ Shan, Hồng Shan, Móng Rồng, Phổ Phĩ... cô còn tìm tòi làm tăng giá trị và các công dụng tuyệt vời của trà, trong đó, phải kể đến Hồng Shan pha nuôi Kombucha uống tốt cho tiêu hóa. Ngoài ra, nước Kombucha muối dưa có mùi thơm dễ chịu, vị chua ngọt, giòn mà dưa muối bình thường không có được, nước Kombucha là thành phần để làm mayonaise thiên nhiên...
Cô gái Bình Trị Thiên giàu năng lượng ấy đang viết nên câu chuyện “Cô gái miền núi đưa hương rừng xuống phố” bằng cách biến đam mê thành hành động mỗi ngày và Hợp tác xã Thương Shan là minh chứng khởi đầu cho hành động của cô ấy.
Linh Nguyễn
Ảnh: Thương Shan