STNN – Hàng loạt tàu cá của ngư dân tại tỉnh Bến Tre đã không thể ra khơi vì thiết bị giám sát hành trình do Công ty Bình Anh cung cấp bị mất tín hiệu. Đây không phải là lần đầu tiên các ngư dân tại tỉnh Bến Tre gặp sự cố với thiết bị hành trình của doanh nghiệp này.
- Bình Định: Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo
- Cứu hộ tàu cá QNg 90196-TS và 8 ngư dân bị nạn trên biển
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre, chỉ trong trong thời gian ngắn gần đây, đã có tới 36 tàu của ngư dân sau khi lắp thiết bị giám sát hành trình do Công ty Bình Anh cung cấp thường xuyên bị mất tín hiệu. Trong đó, nhiều nhất là tàu cá của ngư dân ở xã Tân Thủy, An Hòa Tây và thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba Tri).
Trước tình hình trên, ngày 28/7/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre (Sở NN&PTNT) đã tổ chức buổi đối thoại với Công ty TNHH Phát triển Công nghệ điện tử Bình Anh (Công ty Bình Anh) tại Hội trường Văn hóa thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Theo đó, đây là buổi đối thoại giữa 30 ngư dân với Công ty Bình Anh về tình hình thực tiễn thiết bị giám sát hành trình của doanh nghiệp này.
Tại buổi đối thoại, bà con ngư dân đã yêu cầu Công ty Bình Anh phải có trách nhiệm khắc phục sự cố thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu đã gây thiệt hại đối với ngư dân, do phải nghỉ đánh bắt nhằm chờ đợi thiết bị có tín hiệu mới hoạt động. Khi ngư dân báo thiết bị này bị hư hỏng, công ty cần có thiết bị tạm thời nhanh chóng và đáp ứng kịp thời, hiệu quả. Việc mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu còn bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng/tàu; khi sửa chữa thì chủ tàu phải mất thêm khoản chi phí.
Phía đại diện Công ty Bình Anh đã ghi nhận những ý kiến chia sẻ, đề xuất của bà con ngư dân và sẽ nghiên cứu giải quyết những bức xúc về thiết bị giám sát hành trình do Công ty cung cấp. Tuy nhiên, chuyện tháo gỡ khó khăn tức thời cho ngư dân là vấn đề khó khăn đối với Công ty. Sau 3 ngày nhận thông tin, công ty sẽ cho nhân viên kỹ thuật liên hệ và tiến hành sửa chữa thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân.
Theo tìm hiểu của PV, đây không phải là lần đầu tiên bà con ngư dân tại tỉnh Bến Tre đối thoại với Công ty Bình Anh về thực trạng của thiết bị giám sát hành trình do đơn vị này cung cấp.
Cụ thể, ngày 08/9/2022, tại Đồn Biên phòng Hàm Luông (Ba Tri), Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và UBND huyện Ba Tri tổ chức cho ngư dân đối thoại với Công ty Bình Anh là đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ giám sát tàu cá trên địa bàn huyện Ba Tri.
Tại buổi đối thoại này, ngư dân đã ý kiến về việc thiết bị giám sát hành trình của Công ty Bình Anh kém chất lượng, thường xuyên mất tín hiệu làm ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và gây khó khăn trong việc chấp hành quy định; phản ánh dịch vụ cước phí cao...
Được biết, Công ty Bình Anh có trụ sở chính tại Lô 14 Nguyễn Cảnh Dị, P. Đại Kim, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội do bà Phùng Thị Thanh Bình là người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có hàng loạt chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng giao dịch, nhà phân phối... tại các tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam.
Theo giới thiệu, Công ty Bình Anh được thành lập ngày 03/7/2007. Đây là công ty tiên phong nghiên cứu, phát triển và sản xuất thiết bị định vị vệ tinh GPS ứng dụng trong giao thông vận tải, sản phẩm này là tiền thân của thiết bị Giám Sát Hành Trình theo quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Thiết bị Giám sát hành trình BA1-Blackbox của Bình Anh tự hào là thiết bị đầu tiên trên cả nước vượt qua những yêu cầu khắt khe của Bộ Giao thông vận tải để đạt tiêu chuẩn QCVN-31 với Giấy chứng nhận số 01-SXLR/2011/BGTVT-KHCN.
Tại tỉnh Bến Tre, có 7 cơ quan cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân thì Công ty Bình Anh đã trang bị cho hơn 50% ngư dân, đứng thứ 2 ở miền Nam sau tỉnh Cà Mau. Đồng thời, đến nay toàn tỉnh Bến Tre cũng đã có 730 thiết bị giám sát hành trình của Công ty Bình Anh cung cấp được trang bị cho các phương tiện đánh bắt hải sản trên biển có chiều dài từ 15m trở lên.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tuy nhiên, thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của tàu cá, nhất là không thể ra khơi vì vi phạm các quy định IUU. Chưa kể, việc gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu thuyền nhằm cung cấp thông tin về vị trí, vết đi và một số hoạt động của tàu thuyền cho nhà quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin giữa trạm quản lý và tàu thuyền hoạt động trong vùng kiểm soát của hệ thống.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Anh Đức