Hoàn thiện hệ thống thiết bị và công nghệ nuôi thâm canh cá chình hoa (Anguilla marmorata) bằng thức ăn công nghiệp

STNN - Việt Nam có tiềm năng và lợi thế để phát triển trở thành một trong những nước có sản lượng cá chình hàng đầu của thế giới, nhờ có điều kiện thuận lợi về khí hậu, nguồn nước và nguồn giống tự nhiên ở các tỉnh miền Trung.

Hoàn thiện quy trình thâm canh cá chình hoaĐể giúp cho nghề nuôi cá chình phát triển bền vững theo hướng nuôi thâm canh bằng thức ăn công nghiệp ThS. Ngô Minh Khang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III và các cộng sự đã thực hiện đề tài “Hoàn thiện hệ thống thiết bị và công nghệ nuôi thâm canh cá chình hoa (Anguilla marmorata) bằng thức ăn công nghiệp” với mục tiêu có được hệ thống thiết bị và công nghệ nuôi cá chình hoa bằng thức ăn công nghiệp có nguồn gốc nội địa.

Việt Nam có nguồn giống cá chình hoa ở các tỉnh miền Trung với sản lượng trên 10 triệu con/năm. Nếu áp dụng công nghệ nuôi thâm canh trong hệ thống nước tuần hoàn (RAS) sử dụng thức ăn công nghiệp, với tỉ lệ sống đạt trên 90 %, sản lượng đạt 9.000 - 10.000 tấn, sản phẩm chất lượng sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm do không sử 14 dụng kháng sinh - hóa chất trong quá trình nuôi. Chất lượng sản phẩm có thể đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển chuỗi bán lẻ tại các siêu thị, nhà hàng trong nước và phát triển ra các thị trường quốc tế.

Công nghệ nuôi cá chình trong RAS, sử dụng thức ăn công nghiệp, kiểm soát chất lượng môi trường và dịch bệnh mở ra hướng mới góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Làm thay đổi tư duy của người nuôi, từ nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy nghề nuôi cá chình phát triển bền vững.

Sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá chình sẽ giúp kiểm soát được dịch bệnh (giảm thiểu được nguồn lây nhiễm từ thức ăn tự nhiên), góp phần làm giảm giá thành, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu, tạo đà phát triển vững chắc cho nghề nuôi cá chình của nước ta.

Áp dụng công nghệ của Dự án sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Với khoảng 10.000 tấn cá chình thương phẩm, áp dụng công nghệ RAS cần 4.000 ha mặt nước và khoảng 40.000 lao động. Ngoài ra, có một số lao động trong các nhà máy sản xuất thức ăn cá chình, thương mại mua bán thức ăn và cá chình, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17890/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo MOST