STNN - Sân bay A So (huyện biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) là nơi gánh chịu những hậu quả nặng nề của chất độc da cam Dioxin. Từ năm 1999 đến nay, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92, Quân khu 4 lên vùng đất A So thực hiện nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh nơi biên giới, làm vơi đi nỗi đau da cam. Vùng đất này đang dần được hồi sinh.
Theo thống kê, toàn huyện biên giới A Lưới hiện có gần 5.000 người bị nhiễm chất độc hóa học Dioxin. Tác động của nó đã đến thế hệ thứ ba, thứ tư. Trong đó, chịu mất mát, đau thương nhiều nhất là khu vục sân bay A So.
Sân bay A So nằm trên địa bàn xã Đông Sơn, một xã nghèo của huyện A Lưới. Trong chiến tranh, sân bay này là nơi tập kết chất độc hóa học Dioxin để đế quốc Mỹ rải thảm, tàn sát những cánh rừng Trường Sơn. Sau mỗi lần gây tội ác, các máy bay rải chất độc lại quay về đây để tẩy rửa, vì vậy toàn xã Đông Sơn có 5ha đất nhiễm chất độc hóa học nặng.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Hồ Thị Liên ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, chị tâm sự: Năm 1992, do không biết sân bay A So có chất độc da cam nên gia đình chị cùng hơn 50 hộ dân vào trong lõi sân bay A So sinh sống. Chất độc ngấm từ nguồn nước, từ con cá, lá rau vào cơ thể. Nhiều người mắc bệnh ung thư quái ác cũng bởi ngấm chất độc. Bản thân chị 13 lần0 mang thai nhưng chỉ giữ lại được 3 đứa con.
Cháu Hồ Thị Ngọc Thư là con gái thứ hai của chị Liên. Cháu bị u não do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam. Sau 3 lần mổ, mắt cháu mờ dần rồi không nhìn thấy được nữa. Tuy sức khỏe yếu nhưng Thư vẫn ngày ngày chăm chỉ học chữ nổi để nuôi dưỡng ước mơ được học nghề để sau này tự lập. Thư tâm sự: “Em chẳng có ước mơ gì nhiều, em chỉ ước là em khỏi bệnh, được đi học nghề để có thể tự lập, bớt đi gánh nặng cho ba mẹ và mọi người xung quanh em.”
Năm 1999, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92, Quân khu 4 lên vùng đất A So thực hiện nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh nơi biên giới, làm vơi đi nỗi đau da cam. Đoàn đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn hiểu để hạn chế ảnh hưởng của Dioxin đối với môi trường và cuộc sống của bà con. Cùng với đó, Đoàn 92 thường xuyên thăm hỏi, tặng quà giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với nước, gia đình khó khăn và các nạn nhân chất độc da cam.
Ông Nguyễn Minh Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, huyện A Lưới cho biết: Trong những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 đã đầu tư về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm cho địa phương. Đoàn còn hỗ trợ đầu tư cho người dân nuôi bò, nuôi lợn, thâm canh lúa nước.
Để giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 thực hiện “3 bám”, “4 cùng”, giúp địa phương thực hiện các mô hình kinh tế. Ngoài hướng dẫn cho bà con trồng lúa nước, Đoàn 92 còn tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, như: trồng chanh không hạt, trồng gừng trong bao, trồng cam, nuôi bò, nuôi lợn rừng. Đoàn đã xây dựng trại sản xuất cung cấp cây, con giống có chất lượng cho nhân dân, hỗ trợ bà con khai hoang lúa nước với diện tích 20,3ha, hoa màu là 75,6ha, dự án trồng rừng là trên 11.700ha, ổn định dân cư cho 626 hộ dân tại địa bàn mới.
Thượng tá Nguyễn Đức Hiền, Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92, Quân khu 4 cho biết, trong thời gian tới, Đoàn 92 xác định có ba nhiệm vụ trọng tâm: Một là, tiếp tục tuyên truyền vận động để nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Hai là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn cùng cấp ủy, chính quyền để tham gia thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới; Ba là, tiếp tục thực hiện và hoàn thiện các nhiệm vụ mục tiêu của dự án kinh tế - quốc phòng A So, A Lưới để bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với đó, Đoàn 92 thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi và các dự án tái định cư cho các hộ dân với 8 công trình thủy lợi ra đời phục vụ tưới tiêu cho 189ha lúa nước, 12 công trình giao thông với tổng chiều dài 31,3km, 16 cầu và tràn liên hợp bê tông, 3 công trình điện cung cấp điện cho 430 hộ dân và xây dựng nhiều trường học trên địa bàn; khám cấp thuốc miễn phí cho bà con nhân dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vùng đất A So, A Lưới còn 22%, 1 xã trong vùng dự án được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trần Tình