Hướng đi mới cho việc xử lý bùn nạo vét

Tại Việt Nam, hàng năm có tới hàng chục triệu khối bùn được nạo vét từ các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khu bến trước cảng trên cả nước. Việc tìm địa điểm đổ bùn là vấn đề gây đau đầu cho không ít các nhà đầu tư, đơn vị thi công. Vì vậy, không ít đơn vị phải chọn giải pháp đổ bùn ra biển, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.

Khai thác cát ở lòng sông gây sạt lở nghiêm trọng, vì vậy tìm kiếm vật liệu thay thế cát trong xây dựng là một việc làm cần thiết - Ảnh Chí Thành
Khai thác cát ở lòng sông gây sạt lở nghiêm trọng, vì vậy tìm kiếm vật liệu thay thế cát trong xây dựng là một việc làm cần thiết – Ảnh: Chí Thành

Gần đây, để bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển, Chính phủ không cho phép đổ bùn nạo vét ra biển, vì vậy các đơn vị thi công càng khó khăn hơn khi tìm địa điểm đổ thải, xử lý bùn nạo vét. 

Ngoài ra, việc xử lý bùn nạo vét bằng phương pháp truyền thống là chôn lấp đang ngày càng trở nên ít phổ biến do các tác động tiêu cực của phương pháp này đến môi trường như: chiếm diện tích, gây ô nhiễm nguồn nước, v.v..

Bên cạnh sự thiếu hụt địa điểm đổ bùn nạo vét còn có sự thiếu hụt về vật liệu dùng để san lấp tại các dự án xây dựng. Vì vậy, cần có biện pháp phù hợp để xử lý đất bùn nạo vét một cách hiệu quả, và công nghệ xử lý bùn nạo vét thành vật liệu đạt tiêu chuẩn sử dụng trong các công trình thủy lợi, giao thông là giải pháp tốt nhất để giải quyết các nhu cầu trên.

Hố thải bùn khối lượng hơn 1 triệu m3 tại cảng Chân Mây gây ảnh hưởng tới môi trường-  Ảnh Chí Thành
Hố thải bùn khối lượng hơn 1 triệu m3 tại cảng Chân Mây gây ảnh hưởng tới môi trường –  Ảnh: Chí Thành

Tiến sĩ Ngô Anh Quân, Phó Viện trưởng Viện Thủy công, cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình khan hiếm cát xây dựng đã xảy ra trên toàn quốc, trong khi đó khối lượng bùn nạo vét hàng năm cho kênh rạch thủy lợi, hồ nuôi trồng thủy sản… ngày càng tăng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và yêu cầu mặt bằng bãi chứa bùn càng lớn gây lãng phí về kinh tế. Viện Thủy công đã tiến hành nghiên cứu các loại phụ gia, sáng chế thiết bị và thi công 2 mô hình thực nghiệm tại Cà Mau về công nghệ cứng hóa đất bùn nạo vét để san lấp mặt bằng và đắp đê bao, bờ bao thay thế cát bước đầu cho kết quả khả quan và sẽ được áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.

Viện Thủy công tiến hành nghiên cứu xử lý bùn - Ảnh Chí Thành
Viện Thủy công tiến hành nghiên cứu xử lý bùn – Ảnh: Chí Thành

Cứng hóa bùn nạo vét là một kỹ thuật hiệu quả trong việc cải thiện tính chất cơ học và các tính chất môi trường của đất bùn nạo vét. Phương pháp xử lý nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường bằng việc vô hiệu hóa các chất ô nhiễm có trong bùn bằng các chất hóa học. Các chất ô nhiễm bị cố định trong hỗn hợp cứng hóa nên sẽ không thể xâm nhập vào con người, vật nuôi hay cây cối. Bùn sau khi được cứng hóa dẫn đến hàm lượng nước trong bùn giảm, tính chất cơ lý hóa như cường độ nén, hệ số thấm của bùn được cải thiện từ đó bùn cứng hóa được tái sử dụng trong các công trình xây dựng dân dụng cũng như giao thông.

Bùn trong quá trình được xử lý - Ảnh Chí Thành
Bùn trong quá trình được xử lý – Ảnh: Chí Thành
Mô hình bãi san lấp sử dụng phụ gia để cứng hóa bùn của Viện Thủy công tại Cà Mau - Ảnh Chí Thành
Mô hình bãi san lấp sử dụng phụ gia để cứng hóa bùn của Viện Thủy công tại Cà Mau – Ảnh: Chí Thành

Việc chế tạo được phụ gia để cứng hóa đất bùn vùng ĐBSCL tại Việt Nam sẽ mở ra một giải pháp mới thay thế vật liệu xây dựng đang dùng trong thực tiễn. Ngoài việc tận dụng được nguồn vật liệu tại địa phương, tiết kiệm chi phí vận chuyển thì còn thay thế được cát trong khi vẫn đạt được các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu theo thiết kế đề ra.

Chí Thành

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây