Kết quả xây dựng nông thôn mới tại Kiên Giang năm 2022

STNN - Được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT; sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sự tham gia phối hợp tích cực của các sở, ngành tỉnh, địa phương và sự chung tay góp sức của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Kiên Giang đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thanh niên Kiên Giang tích cực xây dựng NTM.
Thanh niên Kiên Giang tích cực xây dựng NTM.

Việc triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn: trên cơ sở các văn bản Trung ương ban hành về Chương trình, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa, xây dựng các Chương trình hành động, ban hành các nghị quyết, quyết định, quy định về xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh để làm cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai trong việc xây dựng NTM, đây là cơ sở pháp lý, những điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Việc thành lập bộ máy chỉ đạo, điều hành chung; phân công, phân nhiệm cơ quan chủ trì; công tác phối hợp, hệ thống quản lý các cấp, các ngành có sự thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh: Cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, Tổ công tác Chương trình MTQG xây dựng NTM, Văn phòng Điều phối NTM giúp việc Ban Chỉ đạo/UBND cấp tỉnh; các huyện, thành phố, Ban Quản lý xây dựng NTM các xã trong tỉnh được kiện toàn là điều kiện thuận lợi để cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã vào cuộc.

Về công tác phân công, phân nhiệm cơ quan chủ trì; công tác phối hợp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu ban hành các văn bản như phân công sở, ngành hướng dẫn, đánh giá thực hiện các Bộ tiêu chí quốc gia về xã/huyện NTM giai đoạn 2021-2025. Các Nghị quyết về phân bổ vốn, sử dụng vốn… trên cở sở đó xã/huyện áp dụng thực hiện…

Các mục tiêu, chỉ tiêu đạt được

Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh; kết cấu hạ tầng kỹ thuật – kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, cùng với những chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể,... góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, cụ thể:

  • Hệ thống giao thông nông thôn được tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, đường ấp – liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Hệ thống đường nội xã, liên ấp đã cứng hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất.
  • Hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây mới đã cơ bản hoàn chỉnh đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Đến nay hệ thống thuỷ lợi cơ bản phục vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ, nước mặn xâm nhập và từng bước đáp ứng phục vụ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; hàng năm, các công trình thủy lợi được đầu tư nạo vét, tổ chức xây dựng hoàn thành cống, đập, trạm bơm, cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất cho nhân dân.
  • Hệ thống điện được đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, đã có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt cho vùng lõm, vùng sâu, vùng xa.
  • Hệ thống giáo dục – đào tạo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây mới, sửa chữa nâng cấp nhiều trường, lớp học. Từng cấp ủy, chính quyền và cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục từng địa phương có chuyển biến trong việc thực hiện Chương trình. Việc phát triển trường lớp tại xã NTM có gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các cơ sở giáo dục đã chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư ngày một khang trang, sạch đẹp, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu dạy và học.
  • Về hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, gắn với phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng NTM, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp một số cơ sở văn hoá như: nhà thiếu nhi, sân bóng đá, trung tâm văn hoá – thể thao xã, nâng cấp trụ sở ấp – nhà văn hoá ấp, mở rộng hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến xã, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, lễ hội, đại hội thể dục thể thao các cấp... đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, người dân nông thôn.
  • Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cũng được quan tâm phát triển và kết nối với các chợ cấp huyện. Chất lượng các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã cũng được cải thiện.

Về phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập

  • Sản xuất nông nghiệp phát triển gắn với nhiều thành quả đạt được từ thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công tác ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh. Năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng lúa đạt 699.999 ha với sản lượng 4.405.404 tấn; Tổng số cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đạt 693 cánh đồng, với 109.332 ha (trong đó: 1.229 ha sản xuất lúa chứng nhận hữu cơ, 500 ha sản xuất lúa chứng nhận GlobalGAP; 1.195 ha sản xuất lúa chứng nhận VietGAP; 2.507 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP xuất sang Châu Âu, Mỹ, Nhật bản).
  • Kinh tế tập thể tiếp tục được quan tâm, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 01 Liên hiệp HTX tại huyện Giang Thành có 07 HTX thành viên, với vốn điều lệ 210 triệu đồng. Thành lập mới 34/15 HTX nông nghiệp (đạt 226% so với kế hoạch). Tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là 447 HTX (355 HTX trồng trọt, 90 HTX thủy sản, 02 HTX chăn nuôi), số vốn điều lệ 143.758 triệu đồng, 31.726 thành viên, diện tích sản xuất 55.212 ha.

Những kết quả nêu trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay đạt 57,8 triệu đồng/người/năm.

HS.