STNN - Tôm hùm là đối tượng nuôi thương phẩm chủ lực của tỉnh Khánh Hòa. Thời gian tới để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu tôm hùm Khánh Hòa, tỉnh sẽ tăng cường thực hiện nhiều giải pháp.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng
Khánh Hòa có 4 vùng nuôi là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Năm 2020 toàn tỉnh có 60.647 ô lồng nuôi tôm hùm, sản lượng 1.540 tấn; năm 2021 là 63.421 ô lồng, sản lượng 1.087 tấn; năm 2022 là 68.666 ô lồng, sản lượng 1.376 tấn; và 7 tháng đầu năm 2023 là 2.997 tấn.
Các loài tôm hùm được nuôi trong tỉnh, gồm Tôm hùm bông/sao (Panulirus ornatus) và Tôm hùm xanh/đá (Panulirus homarus) là 2 đối tượng nuôi chính, tùy theo từng vùng nuôi mà đối tượng tôm hùm bông hay tôm hùm xanh được nuôi nhiều hơn.
Hiện nay, việc thu mua tôm hùm phần lớn vẫn thông qua thương lái, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc thông qua con đường xuất khẩu tiểu ngạch. Đầu năm 2023, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại nên các doanh nghiệp tập trung thu mua xuất khẩu tôm hùm sang thị trường này tăng lên so với năm 2022.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Từ nhiều năm nay, việc sản xuất, tiêu thụ tôm hùm tại các vùng nuôi ở Khánh Hòa còn gặp nhiều khó khăn. Các vùng nuôi tôm hùm hiện nay chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh; ngư dân nuôi tôm hùm trong tỉnh chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn; do sự ưu tiên phát triển các lĩnh vực phi nông nghiệp và một số vùng nuôi nằm chồng lấn với các quy hoạch khác của tỉnh nên diện tích nuôi tôm hùm suy giảm đáng kể, nhất là Vịnh Vân Phong và Vịnh Cam Ranh ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Công nghệ nuôi tôm hùm bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu; tôm hùm sử dụng hoàn toàn thức ăn tươi, chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp cho tôm hùm; mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm; chưa sản xuất nhân tạo giống tôm hùm, chủ yếu nhập từ nước ngoài và khai thác tự nhiên.
Nuôi tôm hùm cần vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp lớn còn ít; trong khi đó người dân nuôi tôm hùm còn nhiều hạn chế về tiếp thu khoa học kỹ thuật, về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Liên kết giữa cơ sở nuôi tôm hùm với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối... còn hạn chế. Hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm tôm hùm còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào người trung gian nhỏ lẻ.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm hùm còn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa xây dựng được các vùng nuôi tôm hùm tập trung. Hiện nay, hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông trên biển tại Khánh Hòa đã được hình thành nhưng các hệ thống đó chủ yếu cho hoạt động giao thông biển, chưa có các hệ thống phục vụ riêng cho nuôi biển. Một số doanh nghiệp có dự án được giao và cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản tại Vịnh Vân Phong đã đầu tư hệ thống phao nổi, biển báo tại khu vực sản xuất.
Định hướng và giải pháp
Trên cơ sở các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển được quy định tại Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; triển khai sắp xếp lại số lượng lồng bè nuôi tôm hùm ven bờ, thực hiện giao khu vực biển để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống; đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm hùm tập trung, thực hiện thả phao tiêu, chia lô phân luồng lạch để đảm bảo sức tải không ô nhiễm môi trường, vừa tạo mỹ quan môi trường vùng nuôi; phát triển các vùng nuôi tôm hùm theo hướng trang trại, công nghiệp, gắn với chế biến.
Định hướng sản xuất, nuôi trồng tôm hùm bằng lồng nuôi truyền thống chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng vật liệu mới, chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Hình thành các tổ liên kết nuôi tôm hùm tiến tới thành lập các hợp tác xã nuôi tôm hùm và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tôm hùm, tạo điều kiện cho người nuôi gắn kết, hợp tác với nhau, với các đơn vị liên quan để có đầu ra ổn định, nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng được thương hiệu tôm hùm Khánh Hòa.
Sở NN& PTNT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III xây dựng “Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”. Trong đó, xác định vị trí, đối tượng, công nghệ áp dụng để phát triển nuôi công nghệ cao vùng biển từ bờ đến 3 hải lý để nuôi tôm hùm. Đề án đã được các bộ, ngành có liên quan góp ý để hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Khánh Hòa cũng đưa ra 5 giải pháp. Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm theo nhiều giai đoạn nhằm nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số sử dụng thức ăn, giảm rủi ro do dịch bệnh, hạn chế các tác động làm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Hai là, nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi tôm hùm ứng dụng công nghệ cao tại các vùng biển xa bờ, vùng biển hở bằng vật liệu liệu mới. Đào tạo, tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi tôm hùm tiên tiến cho các cơ sở nuôi tôm hùm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.
Ba là, tiếp tục áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản đặc biệt là đầu tư chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, công nghệ bảo quản vận chuyển sống tôm hùm nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm hùm.
Bốn là, chính quyền các địa phương xây dựng, ban hành quy chế thu gom, xử lý chất thải các vùng nuôi tôm hùm; thực hiện việc quản lý thu gom và xử lý chất thải từ nuôi tôm hùm.
Năm là, quan tâm hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm hùm tại nước ngoài, cũng như tổ chức đàm phán, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong nhập khẩu tôm hùm giống từ các nước: Indonesia, Philippines...
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đồng thời nhằm mục đích giúp đỡ người dân hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất tôm hùm nói riêng và nuôi biển nói chung, Sở NN&PTNT Khánh Hòa đang tiến hành xây dựng các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển tại tỉnh Khánh Hòa.
Hải Đăng - fistenet.gov.vn