Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Triều kiệt, những con tàu khai thác thủy sản phơi mình trên bãi bồi ven bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Bên con đê biển kiên cố, có khoảng 5 con tàu được sửa chữa, tu bổ và một tốp lao động đang dỡ thân, tháo ván con tàu giải bản.
Mấy năm gần đây, các chủ sở hữu ở xã Ngư Lộc bán, giải bản, bị phát mại tài sản hơn 20 phương tiện nên toàn xã hiện có 317 phương tiện khai thác hải sản. Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rồi giá nhiên liệu biến động tăng, nhất là giá dầu tăng vọt trong tháng 3 khiến nghề khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, ngư trường vịnh Bắc Bộ thu hẹp, nguồn lợi dần cạn kiệt, thiếu lao động đi biển, có thời điểm gần 50% phương tiện “nằm bờ”, kéo theo cả nghìn lao động hành nghề chế biến hải sản ở Diêm Phố thiếu việc làm.
Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc Nguyễn Hải Năm bộc bạch: Xã không có nguồn lực để hỗ trợ mà chỉ tăng cường tuyên truyền, động viên các chủ phương tiện cùng ngư dân vươn khơi, bám biển; vận động các thành viên tổ đoàn kết lao động trên biển, các gia đình, cơ sở, doanh nghiệp trợ giúp chủ phương tiện khó khăn sửa chữa, nâng cấp tàu cá, ứng trước nhiên liệu, lương thực, thực phẩm tiếp tục vươn khơi, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các khâu khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản. Thời gian qua, Bộ Công thương đã 4 lần điều tiết giảm, bình ổn giá xăng dầu, hiện các phương tiện nghề cá ở Ngư Lộc đang “nhúc nhắc” hoạt động trở lại, có 6 phương tiện chuyển xuống ngư trường phía nam đánh bắt hải sản.
Lạch Bạng những ngày này có nhiều con tàu neo đậu dài ngày ở bến. Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến hải sản không tấp nập như trước. Phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn có 129 tàu đánh bắt thủy sản, 75 tàu thu mua hải sản, dịch vụ hậu cần trên biển nhưng những tháng đầu năm nay hoạt động cầm chừng, sản lượng khai thác quý I chỉ đạt 550 tấn, bằng 13,6%, thu mua được 1.700 tấn, bằng 1,6% so với cùng kỳ.
Nguyễn Văn Cường ở phố Liên Đình, chủ sở hữu tàu TH 92085 TS và TH 12086 TS bộc bạch: Sau Tết Nguyên đán đến giờ đôi tàu của gia đình anh chỉ vươn khơi một lần do giá dầu tăng từ 18.000 đồng lên 25.000 đồng/lít. Đôi tàu tiêu hao 1000 lít dầu mỗi chuyến vươn khơi, trước đánh bắt được 1 tấn hải sản, giờ chỉ đạt khoảng 8 tạ hải sản, giá trị trao đổi cũng tụt giảm. Ngư dân cùng các chủ phương tiện mong Nhà nước bình ổn, hỗ trợ giá xăng dầu, mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, khuyến kích các phương tiện vươn khơi, bám biển, gia hạn, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay phát triển nghề cá.
Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Nghi Sơn Nguyễn Thành Nhân ghi nhận: Giá dầu tăng cao, công lao động trên biển cũng tăng, nguồn lợi giảm, hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ tụt về sản lượng, giá trị. Thị xã có hơn 2.000 tàu thuyền, trong đó có 558 phương tiện lưu bờ dài ngày, nhiều tàu từ Tết đến giờ không đi khai thác, đánh bắt hải sản chuyến nào. Ngư dân và lao động làm dịch vụ, chế biến hải sản dịch chuyển sang các lĩnh vực khác như làm công nhân ở các cơ sở sản xuất, điều khiển xe điện, lao động tự do, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Thanh Hóa có 8 cảng cá, đáp ứng cho khoảng 2.500 lượt tàu bốc dỡ 81.000 tấn hàng thủy sản qua cảng; trong đó, có 3 cảng: Hòa Lộc, Lạch Hới, Lạch Bạng đã được UBND tỉnh công bố mở cảng cá loại II. Các cảng được đầu tư, đưa vào khai thác đã lâu nên xuống cấp, phù sa bồi lắng lòng lạch khiến các phương tiện ra, vào cảng khó khăn, phải đợi triều cường. Lạch Bạng ở phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, cửa Hới ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn thỉnh thoảng lại nảy sinh tình trạng tàu mắc cạn khi ra, vào lạch.
Lê Văn Thăng, Giám đốc Cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Với 270 m cầu cảng được đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2011, hiện xuống cấp, quá tải khi các phương tiện về cảng tránh mưa bão, áp thấp. Phù sa bồi lắng khoảng 2 km Lạch Trường nên tàu từ 800CV trở lên không thể cập cảng. Năm vừa qua ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sản lượng bốc dỡ hải sản tại cảng đạt khoảng 1.000 tấn/tháng. Năm nay giá dầu tăng, nhiều phương tiện không vươn khơi, bám biển nên 4 tháng đầu năm nay sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng mới đạt hơn 400 tấn.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao, thiếu lao động làm việc trên tàu cá, thị trường tiêu thụ hải sản nên nhiều tàu cá của tỉnh Thanh Hóa không thường xuyên hoạt động. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng cảng cá, nơi neo đậu chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, luồng lạch ra vào cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão bị bồi lắng, tàu ra vào cập cảng, neo đậu không thuận lợi. Quý 1 năm nay sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 28.946,2 tấn, giảm 5,3% và trong tháng 4 khai thác được 10.800 tấn, bằng 96,4% cùng kỳ.
Nguyễn Đức Cường, Chi Cục trưởng Chi cục thủy sản Thanh Hóa trao đổi: Các doanh nghiệp, cơ sở, đại lý thu mua vẫn đầu tư cho các tàu cá vươn khơi, bao tiêu hải sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ đội đoàn kết trên biển, liên kết trong khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản vẫn là giải pháp thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Đi đôi với chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản hải sản nhằm giảm số lượng lao động làm việc trên tàu cá, nâng năng suất, hiệu quả khai thác.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cùng chính quyền các địa phương ven biển vận động ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển khai thác hải sản; phối hợp Tổng cục Thủy Sản, Viện Nghiên cứu hải sản thông tin dự báo ngư trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngư dân cập nhật, phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả; tham mưu cho tỉnh báo cáo với Trung ương thực thi giải pháp đồng bộ phát triển bền vững ngành thủy sản, trước mắt là bình ổn, hỗ trợ giá dầu, giảm bớt khó khăn cho ngư dân, chủ sở hữu tàu cá.
Theo Nhân dân