
Tình hình xuất nhập khẩu của thế giới
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Tây Ban Nha và Nhật Bản hiện là hai thị trường tiêu thụ ngao nhiều nhất thế giới. Trung Quốc là nguồn cung ngao lớn nhất.
Trong 10 năm lại đây, nhập khẩu ngao của thế giới không có nhiều thay đổi. Từ năm 2015-2020, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ nhiều ngao nhất thế giới. Năm 2016 ghi nhận là năm giá trị nhập khẩu ngao cao nhất của Nhật Bản trong 10 năm qua, với 245 triệu USD, chiếm 31% tổng ngao nhập khẩu của thế giới.
Từ năm 2021-2024, Tây Ban Nha soán ngôi Nhật Bản để trở thành thị trường tiêu thụ ngao lớn nhất toàn cầu. Năm 2021 ghi nhận là năm quốc gia này nhập khẩu ngao nhiều nhất trong 10 năm qua, với giá trị 207 triệu USD, chiếm 26% tổng ngao nhập khẩu của thế giới. Trong năm đó, Nhật Bản nhập khẩu 169 triệu USD, chiếm 21%.
Sau Tây Ban Nha và Nhật Bản, các quốc gia như Ý, Hàn Quốc, Mỹ lần lượt là các thị trường nhập khẩu ngao trọng điểm trong top 5 quốc gia nhập khẩu nhiều ngao nhất thế giới. Cụ thể, năm 2024, nhập khẩu ngao của Ý đạt 103 triệu USD, tăng 108%; Hàn Quốc 77 triệu USD, tăng 1%; Mỹ đạt 67 triệu USD, tăng 5% so với năm trước.
Việt Nam là nhà cung cấp lớn trên thị trường thế giới
Theo VASEP, Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam, Canada, Bồ Đào Nha là các nhà cung cấp ngao lớn nhất cho thế giới. Nhìn lại quá trình xuất khẩu ngao của 10 năm trở lại đây, năm 2015 ghi nhận Trung Quốc xuất khẩu ngao nhiều nhất, với giá trị đạt 360 triệu USD. Trong suốt 10 năm qua, xuất khẩu ngao của quốc gia này gần như không ổn định và có xu hướng sụt giảm. Năm 2024, Trung Quốc chỉ xuất khẩu 281 triệu USD ngao, tăng 3% so với năm trước đó, chiếm 30% tỷ trọng trong tổng ngao các quốc gia xuất khẩu. Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ là các điểm đến lớn nhất của ngao Trung Quốc.
Sau Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam lần lượt là nguồn cung ngao lớn thứ 2 và 3 cho thế giới. Xuất khẩu ngao của Mỹ trong năm 2016 và 2018 ghi nhận giá trị cao nhất với 119 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu ngao năm 2016 tăng 11% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 12% và năm 2018 tăng 2%, chiếm tỷ trọng 14% trong tổng giá trị ngao của các nước xuất khẩu. Đối với Việt Nam, năm 2021 ghi nhận là năm xuất khẩu ngao đạt giá trị cao nhất, với 101 triệu USD, tăng 49% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 11% trong tổng giá trị ngao các quốc gia xuất khẩu. Trong cùng năm đó, Trung Quốc chiếm 34% và Mỹ chiếm 10%.
Việt Nam có 10 tỉnh xuất khẩu ngao nhiều nhất: Thanh Hoá, Bến Tre, Nam Định, Bình Thuận, Thái Bình, Hải Phòng, Sóc Trăng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Tiền Giang, chiếm 97% kim ngạch xuất khẩu; và 36 công ty có sản phẩm ngao xuất khẩu, trong đó Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa (HASUVIMEX) chiếm 24% tỷ trọng xuất khẩu, công ty Thủy sản Lenger Việt Nam chiếm gần 19% và Công ty TNHH Minh Đăng chiếm gần 13%.
Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức định vị thủy sản trong đó có ngao là “ngành kinh tế quan trọng, hiện đại, hiệu quả và bền vững” với tư duy chuyển từ “nuôi nhiều, đánh bắt nhiều” sang “hiệu quả sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chế biến sâu”, từ sản xuất cá thể nhỏ lẻ sang hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp làm nòng cốt, ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường quốc tế.
Hiện trạng sản xuất ở Việt Nam
Nhuyễn thể là một trong những ngành nuôi trồng thủy sản giàu tiềm năng và ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế biển Việt Nam. Với những điều kiện tự nhiên lý tưởng cùng sự tăng trưởng tích cực về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, ngành nuôi nhuyễn thể đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và hiệu quả, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Hiện cả nước có 635 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhuyễn thể, nhưng chỉ khoảng 23% trong số đó được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Mặc dù đã thành công trong sản xuất giống nhân tạo một số loài như nghêu, song nguồn giống vẫn phần lớn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên – đặc biệt là giống nghêu ở Bến Tre và Tiền Giang.
Chất lượng giống đang là vấn đề đáng lo ngại. Giống từ tự nhiên có dấu hiệu thoái hóa, sinh trưởng chậm, gây ảnh hưởng đến năng suất nuôi. Trong khi đó, công nghệ sản xuất giống dù được chuyển giao và ứng dụng ở một số địa phương nhưng chưa đồng bộ, quy mô nhỏ, chưa tạo được hệ sinh thái giống ổn định và chuyên nghiệp. Năm 2024, sản lượng nuôi thương phẩm đạt gần 478.000 tấn. Trong đó, ngao/nghêu chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Ngành chế biến nhuyễn thể của Việt Nam hiện đã có bước tiến đáng kể. Sản phẩm ngày càng phong phú và được ưa chuộng tại thị trường nội địa như nghêu luộc đông lạnh, nghêu 1 mảnh vỏ... Một số mặt hàng đã vươn ra thị trường quốc tế.
Tháng 5/2025 xuất khẩu các mặt hàng nhuyễn thể (thuộc mã 0307 và 16) của Việt Nam đến các thị trường khác trên thế giới đạt 18 triệu USD, tăng 4% so với tháng 5/2024. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 103 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nghêu, ốc, sò điệp là các sản phẩm chủ lực, với giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2025 của mặt hàng ngao/nghêu là 48 triệu USD, tăng 37%, chiếm tỷ trọng 47% trong tổng xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam.
Về cơ cấu sản phẩm, người tiêu dùng tại các quốc gia trên thế giới chủ yếu ưa chuộng các mặt hàng: Ngao sống/tươi/ướp lạnh mã HS 030771 - đây đồng thời là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ngao chế biến mã HS 160556 và ngao hun khói/sấy khô/ướp muối mã HS 030779.
Năm 2024, xuất khẩu ngao sống/tươi/ướp lạnh mã HS 030771 của thế giới đạt 560 triệu USD, tăng 6% so với năm trước, chiếm 56% tỷ trọng trong tổng các sản phẩm ngao xuất khẩu. Theo sau đó là ngao chế biến mã HS 160556 với 369 triệu USD, tăng 4%, chiếm 39%; và ngao hun khói/sấy khô/ướp muối mã HS 030779 với 20 triệu USD, tăng 4%, chiếm 2%.
Xuất khẩu ngao/nghêu tăng trưởng liên tục
Xuất khẩu nhóm sản phẩm này liên tục ghi nhận tăng trưởng tốt ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới nổi. Liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất ngao của Việt Nam. Trong đó, Italy tiếp tục dẫn đầu với 10 triệu USD (tính đến 15/5/2025), tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Tây Ban Nha giữ vị trí thứ hai với gần 9 triệu USD, mức tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi, xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng trưởng phi mã ở mức 3 con số, tăng 381%, trở thành thị trường nhập khẩu ngao lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 8 triệu USD. Xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc đang tăng trưởng khả quan.
Một số thị trường truyền thống như Hà Lan, Nhật Bản, Anh và Singapore ghi nhận sự sụt giảm, trong đó Hà Lan giảm 56% và Nhật Bản giảm 38%, cho thấy cạnh tranh hoặc thay đổi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường này.
Hiện tại, Việt Nam đang có nhiều vùng nuôi ngao đạt chứng nhận bền vững như Bến Tre được chứng nhận của Hội đồng Quản lý Biển (MSC), Tiền Giang, Trà Vinh, Nam Định và Ninh Bình được chứng nhận ASC. Các chứng nhận này được xem là "giấy thông hành" để ngao Việt Nam mở rộng ở nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Úc…
Trong 5 tháng đầu năm 2025, các sản phẩm ngao Việt Nam đã có mặt tại 49 thị trường trên thế giới. Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, hướng đi bền vững, dự kiến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.