Kỷ niệm “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” 25/11: Thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ nạn bạo lực đối với phụ nữ

Bạo lực đối với phụ nữ được coi là hình thức phân biệt đối xử cực đoan nhất. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra tại Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết tình trạng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ gia tăng đáng kể.

Bạo lực đối với phụ nữ là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng. Không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý mà nó còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.

Nhận diện hành vi bạo lực

Bạo lực về thể xác: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng. Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức.

Bạo lực tinh thần: Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng. Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Bạo lực kinh tế: Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình. Cưỡng ép thành viên đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.

Bạo lực tình dục: Là hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục, quấy rối tình dục.

Hành động nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ

Chính phủ Việt Nam được đánh giá là chính phủ đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ.

Tại Việt Nam, hưởng ứng “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” nhiều thông điệp truyền thông được phát động trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hoạt động thiết thực được triển khai đến các địa phương, cơ sở. Mục đích của các hoạt động này là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục và thay đổi thái độ, hành vi bạo lực trên cơ sở giới.

Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, mỗi người phụ nữ cần tự nâng cao tính tự chủ, vai trò, trách nhiệm, sự quyết đoán của bản thân để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; tự tìm hiểu và học những cách ứng xử để biết cách giải quyết những vướng mắc các mối quan hệ một cách tốt đẹp nhất; biết bảo vệ bản thân khi có bạo lực xảy ra.

“Trong năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời; tỷ lệ bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua) là 31,6%.”

Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 - Tác giả: MOLISA, GSO và UNFPA

 

Hoàng Giáp