STNN - Ngày 07/02/2023 tức ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mão, huyện Gia Lâm - TP. Hà Nội long trọng tổ chức Khai mạc Lễ hội làng Chử Xá năm 2023 và công bố Quyết định công nhận Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 17, 18 và 19 tháng Giêng.
- Độc đáo Lễ hội đấu vật làng Sình ở Huế
- Khôi phục lễ hội bắt cá truyền thống tại xã ven đô thành phố Hà Tĩnh
- Độc đáo đất Kinh Kỳ: điệu múa chỉ dành riêng cho… đấng mày râu!
Các vị đại biểu đại diện cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Thành ủy Hà Nội; các đoàn thể, các sở, ngành TP. Hà Nội; các đồng chí đại diện lãnh đạo huyện Gia Lâm; các đơn vị liên kết và đại diện Ban liên lạc họ Chử Việt Nam đã về dự và chia vui cùng cán bộ và nhân dân xã Văn Đức nói chung và thôn Chử Xá nói riêng.
Chử Xá nằm ở bờ Bắc sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Đông. Đình Chử Xá - Lăng Chử Cù Vân là cụm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến đã được nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật năm 1990.
Theo TS. Đỗ Lan Phương, Chử Xá là quê hương của Thánh Chử và là nơi ở của những người họ Chử, vì thế lễ hội làng Chử Xá ở đây được xem như giỗ tổ của họ Chử, của làng Chử. Đồng thời, Ngài đã được thờ như một thần thành hoàng làng cùng các thành hoàng khác là Càn Hải đại vương và Tứ vị Thánh nương.
Lễ hội Chử Đổng Tử ở Chử Xá là ngày hội lớn nhất trong năm của cộng đồng dân cư nơi đây, được tổ chức ở đình làng và lăng thân phụ - thân mẫu của Ngài trong ba ngày, từ 17 đến 19 tháng Giêng (âm lịch). Tương truyền, làng Chử Xá là “anh cả” của các làng thờ thánh Chử tại vùng đất dọc theo khúc sông rộng mênh mông này nên trước đây, có 72 làng thờ Chử Đồng Tử ở khắp nơi đều phải tới tế “Tổ” ở đình Chử Xá trước khi mở hội làng mình.
Truyền thuyết kể rằng, Chử Đồng Tử quê ở làng Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Chàng trai nghèo họ Chử là kết quả cuộc nhân duyên giữa ông Chử Cù Vân và bà Bùi Thị Gia. Vợ mất sớm, ông Chử Cù Vân ở vậy một mình nuôi con. Không may một lần bị hỏa hoạn, hai cha con chỉ còn duy nhất một cái khố, mỗi khi có việc ra ngoài hai cha con phải thay nhau dùng. Chẳng bao lâu ông Chử Cù Vân bị bệnh nặng, trước khi qua đời, ông dặn Chử Đồng Tử: “Cha chết đi, con giữ cái khố lại mà che thân, cho thiên hạ khỏi chê cười”. Không đành lòng để cha chết trần, chàng vẫn chôn cha cùng với cái khố. Không có quần áo che thân, hằng ngày chàng ngâm mình dưới nước bắt cua, bắt cá để kiếm sống qua ngày.
Thuở ấy, vua Hùng thứ 18 có người con gái nhan sắc tuyệt trần, tên là Tiên Dung. Vào một ngày đẹp trời, thuyền của công chúa Tiên Dung dạo chơi dọc sông Hồng. Lúc đó, Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nhìn thấy từ xa đoàn thuyền dong buồm đi tới, sợ quá chàng liền chạy lên bờ nhằm khóm lau vùi mình xuống cát. Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền, sai tì nữ lên bờ quây màn tắm bên một khóm lau, chẳng ngờ lại đúng nơi chàng trai họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Trước người con gái có thân thể như ngọc như ngà, Chử Đồng Tử sợ hãi định chạy trốn. Ngẫm là chuyện trời định, Tiên Dung bình tĩnh nói: “Ta và chàng tình cờ gặp nhau ở đây, đều mình trần như thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt”. Liền đó, Tiên Dung truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền.
Chuyện đến tai vua, Hùng Vương nổi cơn thịnh nộ. Tiên Dung sợ không dám trở về. Nàng ở lại cùng Chử Đồng Tử sống một cuộc sống bình dị, hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hóa trên sông. Dần dần, nơi ấy trở nên phồn thịnh, thuyền bè buôn bán tấp nập. Sau đó, Chử Đồng Tử cùng các nhà buôn đi đến vùng biển để làm ăn buôn bán. Tình cờ, khi tới vùng núi Quỳnh Lãng, chàng được tiên ông truyền cho đạo pháp. Sau một năm, chàng trở về nhà. Tiên ông cho chàng một cây gậy, một cái nón và dặn: “Những quyền phép màu nhiệm ở cả trong gậy và nón này”. Trở về, chàng truyền đạo cho vợ, hai vợ chồng bỏ nghề buôn bán, cùng nhau học đạo. Một hôm, đang giữa chặng đường xa thì trời tối, Chử Đồng Tử cầm chiếc gậy chụp nón lên để trú tạm, nào ngờ hai vật ấy bỗng chốc biến thành một tòa thành nguy nga tráng lệ, cùng văn võ bá quan như một triều đình. Dân trong vùng thấy sự lạ, kính cẩn dâng lễ vật cho hai vợ chồng.
Tin đồn đến tai vua, Hùng Vương ngỡ con làm phản, sai quân đến hỏi tội. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lệnh cha, chờ chịu tội. Khi binh lính nhà vua gần đến nơi, bỗng chốc một trận cuồng phong nổi lên, cả tòa thành cùng người đều bay lên trời, chỉ còn một dải cát giữa đầm lầy mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là Đầm Nhất Dạ.
Cảm động trước mối tình bất tử, đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được nhân dân thờ phụng nhiều nơi trên địa bàn đồng bằng và trung du Bắc Bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng.
Đức Thánh Chử Đồng Tử cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Liễu Hạnh Tiên Chúa là bốn vị Thánh trong "Tứ Bất Tử" của tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt. Lễ hội truyền thống làng Chử Xá mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước.
Huyền thoại về Chử Đồng Tử không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là điểm du lịch tham quan không thể thiếu của du khách trong tour du lịch Đồng bằng sông Hồng.
Với giá trị to lớn của Lễ hội làng Chử Xá, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa của dân tộc, ngày 22/01/2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 252/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.
Lễ đón nhận Quyết định công nhận Lễ hội truyền thống làng Chử Xá là di tích Văn hóa phi vật thể Quốc gia là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật mà cha ông xưa đã trao lại, đồng thời nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn", truyền thống yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Sau các nghi lễ, phần hội tại Lễ hội làng Chử Xá diễn ra sôi nổi mà đặc biệt nhất là điệu múa cổ truyền được lưu giữ từ ngàn đời nay: Lễ Chữ (Múa Chữ) Thiên - Hạ - Thái - Bình. Điệu múa Lễ Chữ, còn gọi là múa Chạy Chữ hoặc Múa Chữ có ý nghĩa để tạ ơn Đức Thánh Chử Đồng Tử, đồng thời gửi gắm nguyện vọng của nhân dân và mong Đức Thánh phù hộ cho thiên hạ thái bình, thể hiện ước vọng, cầu mong của cư dân nông nghiệp vạn sự được yên bình, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc. Đây được xem là một trong những điệu múa cổ còn lại, độc đáo của vùng đất Thăng Long.
Lễ hội còn là dịp lan tỏa những giá trị của Di sản văn hóa Việt Nam đến quần chúng nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài, du khách quốc tế. Thông qua việc tổ chức Lễ hội truyền thống làng Chử Xá, quần chúng nhân dân huyện Gia Lâm, Hà Nội có cơ hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa Quốc gia, từ đó chung tay bảo tồn, tôn tạo và phát triển để quần thể di tích này trở thành điểm đến của du lịch trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Nguyên Đức