“Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”

Dân gian có câu: “Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, cho thấy tầm quan trọng của ngày lễ này trong tâm thức người Việt.

hoa đăng rằm tháng GiêngTết Nguyên tiêu (đêm rằm đầu tiên trong năm) còn gọi là Tết Thượng nguyên vì trong “Tam nguyên” (ba ngày rằm lớn) còn có Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy), Tết Hạ nguyên (Rằm tháng Mười).

Trong dân gian với số đông người theo phong tục thờ cúng gia tiên, vào Rằm tháng Giêng, các gia đình thường làm lễ cúng tươm tất, bày tỏ lòng hiếu kính tổ tiên. Bên cạnh đó, nhiều người còn đi lễ chùa, cầu mong một năm an lành.

Tết Nguyên tiêu ở hoàng cung xưa cũng có những khác biệt. Ngày lễ này trong cung triều Trần được Lê Tắc mô tả trong An Nam chí lược (biên soạn vào nửa đầu thế kỷ 14) như sau: “Đêm Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng, gọi là đèn Quảng-chiếu, thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên bầu trời dưới đất. Chư tăng đi quanh tụng kinh Phật, các quan lễ bái, gọi là Chầu đèn.[i]

Về tục trưng đèn Rằm tháng Giêng, Lê Quý Đôn cho biết nguồn gốc tục này ở Trung Hoa như sau: Hán Vũ Đế thờ thần Thái Nhất (Thiên Hoàng Đại Đế), cúng từ tối đến sáng. Về sau cứ ngày Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), người ta trưng đèn. Tục trưng đèn ngày Rằm tháng Giêng có từ đấy.[ii]

Dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên tiêu được coi là một trong những lễ tiết quan trọng. Vua Minh Mệnh dụ Nội các rằng:

Nhà nước theo phép xưa, làm sáng điển lễ, những ngày tuần tiết như Thượng nguyên, người xưa cũng có cúng lễ mà tục nước ta thật thà chất phác, chưa cử hành được hết. Vậy sai Bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị, tâu lên trẫm nghe.

Đến khi lời bàn dâng lên, vua chuẩn định: Phàm những tiết Thượng nguyên, Trung nguyên, Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên. Lễ nghi các tiết này như tiết Đoan dương (duy có tiết Thượng nguyên, gặp ngày đản ở điện Phụng Tiên thì những lễ phẩm cứ chiếu theo lệ, bày đặt như cũ, không phải thêm cỗ bàn). Tiết Thượng nguyên treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp.

Châu bản triều Nguyễn cũng ghi lại cụ thể việc hoàng thượng đích thân làm lễ Thượng nguyên.[iii] Vì vậy, ngày hôm ấy, việc thiết thường triều ở điện Cần Chánh đình miễn.[iv]

Châu bản triều Nguyễn còn cho biết, ngày Thượng nguyên, ở các miếu có kính lễ phẩm xôi thịt, xin mở cửa cho các sở ty đem lễ phẩm vào sắp đặt và lưu lại đến hết canh cho những người tham gia lễ vào hầu, cho chỉnh tề. Các cửa cần mở thì Bộ Binh phái biền binh tăng cường canh gác nghiêm ngặt.[v]

Tết Nguyên tiêu, vua Minh Mệnh còn cho lập đàn chay để cúng phổ độ cho những tôn nhân đã chết. Vua dụ Nội các rằng: Lại nghĩ đến những người tôn thất đã chết, có người trước đây bỏ mình vì cuộc binh cách, có người nửa vời mà chết trẻ, có người còn nhỏ mà chết non, nghĩ đến rất đau xót! Vậy nên làm lễ truy tiến phổ độ, cầu phúc đường âm để yên ủi hương hồn, nhằm tiết Hạ nguyên lập đàn phổ độ nhưng tiết ấy chính là mùa rét, hay gió mưa. Vậy chuẩn cho nhằm tiết Thượng nguyên tháng Giêng, lập đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ, 21 ngày đêm cúng phổ độ linh hồn cho các tôn nhân xa gần đã quá cố.[vi]

Tết Nguyên tiêu năm Thiệu trị thứ 3 (1843), vua rước Từ giá ra điện Cao Minh trung chính ở cung Khôn thái, làm lễ thượng thọ. Sau đó, vua thân đỡ Thánh từ lên xe, ra chơi bên hồ Ngọc Dịch trong vườn ngự, xem thả đèn trời, đốt cây bông.

Đèn trời, gọi là “thừa vân phi đăng”, bắt đầu làm ra trong thời Minh Mệnh, dùng giấy mỏng dán khắp chung quanh đèn, không để chỗ hở, rồi lấy dây đồng nhỏ làm lồng đèn, đem cỏ, giấy tẩm chút mỡ dầu, thêm hương long não, đem phơi khô, cho vào lòng đèn rồi đốt. Hơi lửa bốc lên, trong lòng đèn sinh ra gió, tự nhiên bay lên không. Ánh sáng nhấp nhánh, rạng cả bầu trời. Người ta khen là ở Cấm thành đêm cũng như ngày.

Vua Thiệu Trị có quan điểm “lấy sự chăm lo làm chính, không lấy sự ăn chơi làm vui” khi bàn về tổ chức ngày lễ này. Nhà vua còn không đồng tình việc bày biện treo đèn quá nhiều:

Nhân dịp Tết Nguyên tiêu năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Thị vệ Bộ Lễ theo lệ cũ, tâu lên xin Chỉ. Vua bảo rằng: “Tết Nguyên tiêu, đời xưa gọi là tết tốt. Ngày nay nhà nước nhàn rỗi, không ngại gì việc vui theo tục xưa, nhưng lòng ta lại lấy sự chăm lo làm chính, không lấy sự ăn chơi làm vui. Từ nay trở đi, các tiết lớn như Vạn thọ (lễ mừng thọ), Chính đán (Tết Nguyên đán), Đoan dương (Tết Đoan ngọ), Đông chí đều theo lệ làm việc. Ngoài ra, các tiết vui các mùa hằng năm, trước ngày ấy 5 ngày, đều tâu lên đợi Chỉ, không được nhất khái câu nệ lệ cũ, vì lệ cũ không phải là ý của ta”.

Khi hoàng tử dâng biểu xin vua Thiệu Trị ngự giá đi chơi nhân tiết Nguyên tiêu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), vua bảo rằng: “Trẫm tuổi đã nhiều, chính đương lúc đêm ngày chăm lo, chưa có lúc rỗi việc mà ăn, há nên bắt chước cái việc treo đèn trên núi thật nhiều, làm cây hoa sáng rực như nhà Đường, nhà Tống hay sao?”[vii]

Ngày nay, cách đón Rằm tháng Giêng đã có nhiều thay đổi theo cuộc sống hiện đại, xa dần điển tích xưa nhưng luôn mang ý nghĩa cầu mong năm mới tốt lành.

________________________________________
[i] Lê Tắc, An Nam chí lược, bản dịch của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1961, tr.16.
[ii] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, Phạm Vũ, Lê Hiền dịch, tr.197.
[iii] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 219, tờ 200.
[iv] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 85, tờ 7.
[v] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 206, tờ 235.
[vi] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 4, bản dịch của Viện Sử học.
[vii] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 6, bản dịch của Viện Sử học.

Theo Hồng Nhung TTLTQG I