Một số giải pháp tháo gỡ các hạn chế trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ

STNN - Thành phố Cần Thơ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực trạng phát triển của ngành nông nghiệp ở địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cần có các giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Kinh tế nông nghiệp Cần Thơ ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân và cư dân nông thôn được nâng lên; diện mạo khu vực nông thôn của thành phố được cải thiện rõ rệt, qua đó, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố.

Ngành nông nghiệp đã khẳng định được vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế không chỉ đối với thành phố Cần Thơ mà còn đối với cả nước (Nguồn: Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ).

Những thành tựu đạt được

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp của thành phố Cần Thơ đạt mức tăng trưởng 2,49%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế và chiếm tỷ trọng 9,65% trong cơ cấu kinh tế của thành phố [1] đặc biệt là trong bối cảnh các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ đình trệ do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua đã giúp hình thành được những vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghiệp chế biến; sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng. Theo đó, thành phố đã tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước về hoạt động khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên toàn thành phố đã xây dựng, hình thành 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 52 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 275 sản phẩm nông sản và thủy sản, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu[2]. Bên cạnh đó, thành phố còn đang tiếp tục phát triển các vườn cây ăn trái theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh, chất lượng cao, tạo mối liên kết tập trung quy mô phù hợp, nhằm thúc đẩy tăng tính cạnh tranh sản phẩm trái cây trên thị trường, từng bước khai thác lợi thế tiêu thụ nội địa, chế biến xuất khẩu và phát triển du lịch sinh thái.

Đồng thời, các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo, đấu nối liên thông đã góp phần quan trọng cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đảm bảo và cải thiện chất lượng đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn. Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã trên địa bàn thành phố, tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn về chất lượng môi trường cũng đạt 100% và hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đến cuối năm 2022 là 89,5%[3]. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo điều kiện cho người nông dân áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát triển ngành nông nghiệp ở Cần Thơ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, cũng như thách thức:

- Do ngành công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp chưa phát triển mạnh nên các mặt hàng nông sản của thành phố phần lớn chỉ dừng ở giai đoạn sơ chế dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản còn nhiều hạn chế càng khiến cho nông sản của thành phố thiếu đi tính cạnh trạnh trên thị trường.

- Biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cho tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố ngày càng trầm trọng, khả năng tiêu thoát nước thêm nhiều khó khăn. Đồng thời, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cũng như những hiện tượng thời tiết, yếu tố bất thường khác có xu hướng tăng và khó dự báo chính xác đã làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi diễn biến phức tạp, xói lở bờ sông, rạch, kênh mương ngày càng trầm trọng hơn. Thêm vào đó, việc sử dụng phương thức canh tác truyền thống, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đã làm giảm chất lượng đất, gây nên tình trạng thoái hóa, giảm độ phì nhiêu của đất. Thực tế này đã gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động canh tác, phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố.

- Quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ chủ yếu dưới dạng hộ gia đình dẫn đến khối lượng sản phẩm hàng hóa làm ra phân tán, khiến cho tốc độ cơ giới hóa chậm đi, dẫn đến năng suất cây trồng thấp và chưa tối ưu hóa được lợi nhuận cho nông dân. Trong khi đó, kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại có phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm phát triển.

- Thực trạng liên kết giữa các bên trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn hạn chế và thiếu chặt chẽ; thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột về lợi ích kinh tế dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết vẫn còn phổ biến. Từ đó, làm phát sinh nhiều rủi ro trong sản xuất như tình trạng “được mùa mất giá”, ảnh hưởng từ dịch bệnh, thiên tai,…

- Thương mại nông sản vẫn chưa phát triển xứng tầm với vị thế hiện tại của Cần Thơ là trung tâm giao thương hàng hóa của ĐBSCL. Nguyên nhân chính là chi phí hậu cần, logistics rất cao, tỷ lệ của chi phí hậu cần trong giá xuất khẩu tại ĐBSCL cao gấp 114% con số trung bình của thế giới. Chi phí này đến từ việc thiếu kết nối khu vực và trung tâm hậu cần quy mô lớn dẫn đến 70% sản phẩm trong khu vực được vận chuyển đến TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ để xuất khẩu, dẫn đến chi phí logistics tăng từ 10% - 40% [4].

Những giải pháp được đề ra

Nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại TP. Cần Thơ (Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ).

Nhận thức được những tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, thách thức trong phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phụ như:

- Đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp của thành phố theo hướng tập trung phát triển các vùng sản xuất, nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô lớn với quy trình canh tác hiện đại. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ số, nông nghiệp tuần hoàn, cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ chọn tạo giống, công nghệ chế biến, bảo quản,... nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

- Đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đồng thời, triển khai nhanh chóng công tác xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ trong toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

- Khuyến khích và hỗ trợ các nông hộ phát triển hình thức sản xuất lên quy mô kinh tế trang trại; thúc đẩy các hợp tác xã phát triển thành doanh nghiệp nhằm tăng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm nguồn cung nông sản ổn định và tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường.

Đinh Tấn Phong 

--------

Tài liệu tham khảo:

[1]. Cục Thống kê thành phố Cần Thơ, "Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022".

[2]. Lê Quang Mạnh, "Thành phố Cần Thơ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị", https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825471/thanh-pho-can-tho-xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-phat-trien-do-thi.aspx

[3]. Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Cần Thơ, “Thực trạng, định hướng và giải pháp trong xây dựng nông thôn mới bền vững tại thành phố Cần Thơ”, Kỷ yếu Hội thảo “Giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững”, Cần Thơ, ngày 12/7/2023.

[4] Báo cáo tổng hợp Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tháng 10/2023, tr. 130.