Năm 2022, Trung Quốc trồng 22 triệu mẫu đậu tương (kỳ 1)

STNN – Trung Quốc đã hoàn toàn tự cung tự cấp về lương thực và có sự đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực. Nhưng việc mở rộng trồng các loại hạt có dầu ngày càng được chú ý, đặc biệt là đậu tương.

Nông dân thu hoạch trên một cánh đồng đậu tương ở thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Caixin Global.

Hiện tại, thu hoạch vụ thu ở nhiều nơi và thu hoạch đậu tương sắp kết thúc, các chuyên gia dự đoán rằng nhiệm vụ mở rộng sản xuất 22 triệu mẫu sẽ được hoàn thành. Đồng thời, theo ước tính hiện nay, tổng sản lượng đậu tương của Trung Quốc có thể đạt 19,48 triệu tấn.

Đậu tương trên thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc

Lịch sử thuần hóa và trồng đậu tương của Trung Quốc đã hơn 5.000 năm. Vào thời cổ đại, đậu tương không chỉ là thực phẩm mà còn là nguyên liệu cho nhiều món ăn khác nhau đồng thời là nguồn cung cấp protein chính. Hiện nay, đậu tương được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, là nguồn cung cấp dầu ăn và thức ăn chăn nuôi.

Đậu tương được đưa đến bán đảo Triều Tiên vào thời Chiến Quốc, Nhật Bản vào thời nhà Hán; Trung Á và Đông Nam Á vào triều đại nhà Đường, nhà Tống; đậu tương tới các nước châu Âu vào khoảng thế kỷ 18.

Du nhập vào Bắc Mỹ vào khoảng năm 1765, đậu tương ban đầu được dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân xanh. Kể từ đó, các chức năng của đậu tương tiếp tục được khám phá. Đến những năm 1860, Bắc Mỹ đã công nhận đậu phụ là thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Vào cuối thế kỷ 19, chức năng của cánh đồng phân bón cố định đạm đậu tương được phát hiện và nó liên tục được phát huy kể từ đó. Trong số các nước sản xuất đậu tương lớn hiện nay, Brazil có lịch sử trồng đậu tương khá muộn, chỉ bắt đầu từ những năm 1950, nhưng nghề trồng đậu tương đã phát triển nhanh chóng. Ngày nay, Brazil là một trong những nước sản xuất đậu tương quan trọng nhất.

Từ nhà xuất khẩu ròng trở thành nhà nhập khẩu, điều gì đã xảy ra với Trung Quốc?

Vài chục năm trở lại đây, nghề trồng đậu tương ở Trung Quốc trải qua nhiều biến động. Số liệu lịch sử cho thấy, năm 1957, diện tích trồng đậu tương của Trung Quốc đạt mức cao nhất là 191 triệu mẫu. Năm 2015, là thời điểm thấp nhất trong nhiều năm, với diện tích trồng là 102 triệu mẫu. Từ năm 2016, đất nước này bắt đầu mở rộng lại diện tích trồng đậu tương. Đến năm 2020, đạt tới 148 triệu mẫu; năm 2021 diện tích có giảm nhẹ, còn 126 triệu mẫu.

Về buôn bán đậu tương, trước năm 1996, Trung Quốc luôn là nước xuất khẩu đậu tương. Từ năm 1995 đến năm 1996, là thời kỳ quan trọng cho sự đảo chiều xuất nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc. Trong thời kỳ đó, họ bắt đầu thử nghiệm cải cách thị trường phân phối ngũ cốc. Vì là cây trồng lấy dầu, đậu tương là loại cây đầu tiên được tự do hóa, một số lượng lớn các doanh nghiệp nghiền đậu tương xuất hiện và nhu cầu thị trường về đậu tương tăng vọt.

Đậu tương là một trong những nguồn cung cấp protein chất lượng cao. Cho dù là tiêu thụ các sản phẩm từ đậu tương, tiêu thụ dầu, hay tiêu thụ thức ăn chăn nuôi… thì cũng đều thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đậu tương. Số liệu lịch sử cho thấy, từ năm 1991 đến năm 2000, tổng sản lượng đậu tương của Trung Quốc luôn có xu hướng tăng trưởng.

Tại Trung Quốc, khẩu phần lương thực tiêu thụ bình quân đầu người của cư dân thành thị (từ năm 1985) và cư dân nông thôn (từ năm 1994) giảm dần, đồng nghĩa với việc tiêu thụ thịt, trứng, sữa và rau quả đang có xu hướng gia tăng.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, về tiêu thụ dầu ăn, năm 1990 lượng tiêu thụ dầu thực vật bình quân đầu người hàng năm là 6,87kg, trong khi năm 2000 đạt 9,10kg. Đồng thời, những năm 1990 cũng là thời kỳ dầu đậu tương được tiêu thụ nhiều, đã từng bước tiếp cận và vượt qua mức tiêu thụ dầu hạt cải.

Gần 100 triệu tấn đậu tương nhập khẩu, chúng đã đi đâu?

Năm 1996, lần đầu tiên, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu đậu tương, lượng đậu tương nhập khẩu là 1,11 triệu tấn; đến năm 2000 đạt 10,42 triệu tấn và đến năm 2020, nhập khẩu đậu tương đã vượt quá 100 triệu tấn. Năm 2021 có thấp hơn, với lượng nhập khẩu là 96,518 triệu tấn.

Gần 100 triệu tấn đậu tương nhập khẩu mỗi năm, cộng với đậu tương sản xuất trong nước, vậy lượng đậu tương này đi đâu? Đậu tương nhập khẩu được nghiền để sản xuất dầu đậu tương và bột đậu nành. Trong số đậu tương của Trung Quốc tự cung, 70% được sử dụng để sản xuất các sản phẩm đậu tương khác nhau, 16% được dùng để ăn trực tiếp, và 14% còn lại được sử dụng để sản xuất bột đậu nành ở nhiệt độ thấp, chế biến protein…

Phân tích sâu hơn cho thấy, năm 2021, tổng sản lượng dầu đậu tương của Trung Quốc khoảng 18 triệu tấn và nhập khẩu là 1,1 triệu tấn. Trong đó, tiêu dùng lương thực là 16,2 triệu tấn, công nghiệp và tiêu dùng khác là 2,5 triệu tấn. Về bột đậu nành, năm 2021 Trung Quốc sản xuất lượng bột là 77,78 triệu tấn, với tổng tiêu thụ nội địa là 77,45 triệu tấn.

Bột đậu nành là một trong những nguyên liệu thức ăn thô mà các ngành chăn nuôi lợn, thuỷ sản, bò, dê… đều sử dụng làm nguyên liệu cấp protein chính. Trong cơ cấu công thức thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm chính của Trung Quốc, nguyên liệu thức ăn năng lượng thường chiếm 65%, trong đó ngô chiếm khoảng 50% -55%; nguyên liệu thức ăn đạm nói chung chiếm 30%, trong đó bột đậu nành khoảng 15%-20%.

Trong những năm gần đây, trước những bất ổn của thị trường đậu tương quốc tế, Trung Quốc đã có nhiều biện pháp để giảm sự phụ thuộc của sản xuất thức ăn chăn nuôi từ đậu nành. Kể từ năm 2018, để đối phó với tỷ lệ cao của ngô và bột đậu nành trong thức ăn hỗn hợp, Trung Quốc đã bắt đầu công việc “thay thế nguồn mở, cải thiện hiệu quả và giảm thiểu” thức ăn chăn nuôi. Vào tháng 3/2021, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã xây dựng “Kế hoạch hoạt động để giảm và thay thế nguyên liệu ngô và đậu tương trong thức ăn chăn nuôi”.

Các biện pháp này đang phát huy tác dụng. Số liệu cho thấy, vào năm 2021, ngành nuôi trồng thủy sản cả Trung Quốc tiêu thụ khoảng 450 triệu tấn thức ăn, trong đó lượng bột đậu nành chiếm 15,3% lượng thức ăn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính theo công thức thức ăn của năm trước, tương đương tiết kiệm được 10,8 triệu tấn bột đậu nành, tương đương 14 triệu tấn đậu tương.

Mời quý độc giả xem tiếp kỳ 2 tại đây.

Chử Cường (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây