Từ khi Chính phủ Việt Nam cam kết mục tiêu trung hòa carbon tại Hội nghị COP26 năm 2021, hành trình chuyển đổi xanh không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hiện thực. Từ chính sách quốc gia đến hành động cụ thể của doanh nghiệp, một làn sóng mới đang hình thành – nơi mà tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường song hành cùng nhau.
Mới đây, đã có năm doanh nghiệp, tất cả đều thuộc ngành sữa, công bố đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014 cho năm đầu tiên 2023, và đang xem xét kiểm toán cho năm 2024.
Trước đó, chỉ có một công ty có vốn nước ngoài – Siemens Bình Dương (thuộc ngành sản xuất kỹ thuật) – từng công bố đã đạt chứng chỉ trung hòa carbon này, cũng cho năm 2023.
Tập đoàn Vinamilk: Trồng rừng và duy trì cây xanh

Tháng 1/2025, Vinamilk lần đầu công bố đạt chứng nhận trung hòa carbon PAS 2060:2014 cho ba công ty con của mình.
Cụ thể, ba công ty này đã trung hòa tổng cộng hơn 30.450 tấn CO2 quy đổi cho năm 2023, tương đương với lượng khí thải của khoảng 7.000 đến 10.000 xe ô tô chạy xăng trong một năm (một xe trung bình thải khoảng 3 - 4 tấn CO2/năm).
Trong đó, Nhà máy sữa Vinamilk ở Nghệ An đã trung hòa được toàn bộ lượng phát thải 13.883 tấn CO2, trang trại bò sữa Nghệ An - 13.160 tấn CO2, và Nhà máy nước giải khát Việt Nam - 3.410 tấn CO2.
Các thành tựu nêu trên đạt được chủ yếu thông qua các "bể chứa carbon" tự nhiên như rừng và cây xanh. Cụ thể, Vinamilk đã đầu tư vào các dự án bảo tồn 1.000 ha rừng tự nhiên tại Xiengkhouang (Lào) và phục hồi 25 ha rừng ngập mặn ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, cũng như trồng hàng nghìn cây xanh quanh nhà máy.
Đối với trang trại chăn nuôi, một nỗ lực giảm phát thải nổi bật đó là thay đổi chế độ ăn của bò bê để kiểm soát lượng phát thải của động vật.
Ngoài ra, còn có một số biện pháp khác giúp các công ty giảm trực tiếp lượng khí CO2 như sử dụng năng lượng sạch (điện mặt trời và CNG), sử dụng thiết bị tiêu thụ năng lượng tái tạo và sinh học, và tái sử dụng nước trong quá trình làm mát sản phẩm.
Ba công ty này cam kết duy trì trạng thái trung hòa carbon cho từng năm tiếp theo.
Tập đoàn TH Group: Mua tín chỉ carbon đắp đổi và chứng chỉ tái tạo năng lượng
Mới hơn, tháng Tư năm nay, Tập đoàn TH cho biết hai trong tổng số 11 đơn vị thành viên của mình là Công ty cổ phần Sữa TH và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên đã được chứng nhận đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014 cho năm 2023.
Trong đó, Công ty Cổ phần Sữa TH đã trung hòa được hơn 26.670 tấn CO2. Phần lớn lượng phát thải này được trung hòa bằng việc mua tín chỉ carbon bù đắp (1.045 tín chỉ) và chứng chỉ tái tạo năng lượng IREC [1] từ các dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị (37.880 chứng chỉ).
Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện một số giải pháp năng lượng khác như thay thế các lò hơi đốt dầu FO bằng lò hơi sử dụng nguyên liệu sinh khối (chỉ riêng sáng kiến này đã giúp giảm hơn 7.000 tấn CO₂ mỗi năm), thay thế bóng đèn cao áp bằng bóng đèn led tiết kiệm năng lượng, lắp biến tần điều khiển cho máy nén lạnh, thay máy thổi khí cũ bằng máy thổi khí hiệu suất cao...
Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên trung hòa được hơn 11.631 tấn CO2. Chúng tôi không tìm thấy thông tin chi tiết (QES) về cách thức trung hòa lượng CO2 này, nhưng theo mô hình của công ty sữa TH, có thể phỏng đoán rằng chúng được trung hòa theo cách tương tự là bù đắp carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, như Tập đoàn TH cho biết, nhờ chuỗi giải pháp giảm nhựa (loại bỏ màng co nắp chai, giảm trọng lượng nhựa trong từng chai nước, giảm độ dày của nhãn mác nhựa), công ty Núi Tiên giảm được khoảng 600 tấn nhựa mỗi năm - theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy thuộc vào loại nhựa và quy trình sản xuất cụ thể, có thể quy đổi tương đương giảm phát thải 1.200 - 1.800 tấn CO2.
Tổng cộng, hai công ty đã trung hòa hơn 38.300 tấn CO2 quy đổi, tương đương với lượng khí thải của khoảng 9.500 đến 13.700 xe ô tô chạy xăng trong một năm (một xe trung bình thải khoảng 3- 4 tấn CO2/năm). Hai công ty cam kết duy trì trạng thái trung hòa carbon cho giai đoạn 2024-2028.
PAS 2060:2014 là một tiêu chuẩn được phát triển tại Vương quốc Anh, cung cấp khuôn khổ và hướng dẫn để các doanh nghiệp chứng minh đạt được trạng thái trung hòa carbon một cách đáng tin và minh bạch. Tiêu chuẩn này bao gồm việc kiểm kê chi tiết "dấu chân carbon" của doanh nghiệp ở Phạm vi 1 (khí thải trực tiếp của doanh nghiệp), Phạm vi 2 (khí thải do sử dụng năng lượng của doanh nghiệp), và có thể gồm cả Phạm vi 3 (khí thải gián tiếp khác từ chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa) nếu lượng phát thải này lớn hơn 1% tổng phát thải của công ty. Sau đó, PAS 2060:2014 đưa ra các hướng dẫn về việc giảm thiểu hoặc bù đắp carbon cụ thể cho lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả mua tín chỉ carbon, đầu tư vào các dự án bù đắp carbon, hoặc mua chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC. Trong trường hợp năm công ty đầu tiên của Việt Nam kể trên, tất cả đều chỉ tính toán khí thải Phạm vi 1 và 2. Các chứng chỉ như PAS 2060:2014 thường có độ trễ công bố do tính chất phức tạp, nghiêm ngặt của quy trình đo lường, báo cáo, xác minh và cam kết dài hạn theo tiêu chuẩn này, cũng như do việc sử dụng dữ liệu thứ cấp và yêu cầu xác minh độc lập nhằm đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của chứng nhận trung hòa carbon. |
[1] IREC là chứng chỉ xác nhận một lượng điện nhất định đã được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. 1 IREC = 1 MWh điện năng lượng tái tạo. Các công ty thường sử dụng chứng chỉ IREC để bù đắp mức tiêu thụ năng lượng phát thải khí thải Phạm vi 2, tức khí thải từ việc sử dụng điện của doanh nghiệp.