Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản đang tăng tốc bảo đảm đáp ứng đủ đơn hàng cho dịp cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022. Đây là tín hiệu hết sức tích cực, cho thấy ngành Thủy sản đang phục hồi sau những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh đáp ứng thị trường trong nước, còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị 8,8 tỷ USD trong năm nay.
Đã đạt 70% công suất trước dịch Covid-19
Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, từ đầu tháng 11-2021 đến nay, các doanh nghiệp đều nỗ lực khôi phục sản xuất, hầu hết nhà máy đã đạt hơn 70% công suất so với trước khi xảy ra dịch Covid-19, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở mức cao vào dịp cuối năm của các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, châu Âu…
Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết: Các cảng xuất, nhập khẩu đã mở trở lại, việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Tập đoàn đang đẩy mạnh sản xuất bởi nhu cầu về các mặt hàng thủy sản trên thị trường đang tăng.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân, dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản tháng 10-2021 đã đạt con số 918 triệu USD, gần tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 9-2021. Như vậy, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu tăng cao, tạo cơ hội cho ngành sản xuất, chế biến thủy sản hồi phục và tăng trưởng.
Thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Nội, các hợp tác xã, hộ nông dân cũng đang mở rộng diện tích nuôi trồng để bảo đảm nguồn cung cho thị trường Thủ đô. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn thông tin: Trong quý IV-2021, Hà Nội mở rộng thêm 600ha nuôi trồng thủy sản (diện tích này của thành phố trước đó là khoảng 23.400ha), bảo đảm cung ứng cho thị trường 120.000 tấn thủy sản tươi sống vào cuối năm. Đến nay, nông dân đang thu hoạch gối vụ với năng suất cao.
Giữ an toàn để sản xuất
Sau một thời gian dài sản xuất cầm chừng với 30-50% công suất của các nhà máy, ngành Thủy sản đang phục hồi với tốc độ cao. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức khi các chi phí sản xuất “đầu vào” như: Thức ăn chăn nuôi, cước vận tải đều cao. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng) Hồ Quốc Lực cho biết: Hiện nay, quan trọng nhất là giữ an toàn trong quá trình sản xuất để công nhân không bị nhiễm Covid-19, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng.
Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến thông tin: Các cơ quan chức năng của Bình Thuận đã xây dựng phương án tổ chức sản xuất trên biển và tại cảng thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Theo đó, các ban quản lý cảng cá phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 cho từng nhóm đối tượng tàu cập cảng. Mặt khác, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách giảm thuế, có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản, nghề dịch vụ thủy sản; bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các ngư dân, lao động nghề biển bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Với Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Để người nuôi trồng thủy sản yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm, Hà Nội tập trung nguồn lực hỗ trợ người nuôi các loại con giống ngắn ngày, có năng suất cao như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai… và các loại hóa chất, chế phẩm sinh học để khử trùng môi trường ao nuôi tại các vùng chăn nuôi thủy sản tập trung như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Trì, Ba Vì... Cùng với đó là tăng cường công tác quan trắc môi trường phòng, chống dịch bệnh, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm vùng nuôi trồng tập trung.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tín hiệu thị trường đang rất khả quan đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh và cuối năm. Mặt khác, giá thủy sản đang ở mức cao là cơ hội để ngành Thủy sản về đích - đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 8,8 tỷ USD.
Để ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chức năng khắc phục ngay tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng và xuất khẩu; đồng thời yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai hệ thống giải pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó bảo đảm an toàn cho chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản. Tiếp đến, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương trong công tác chuyển giao kỹ thuật khai thác, nuôi trồng, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản; ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển thị trường... nhằm giải quyết khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Theo Báo Hà Nội mới