Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra một số loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, bệnh dại… Hiện, bệnh DTLCP đang diễn biến khá phúc tạp với hơn 50 ổ dịch tại 17 huyện, thành, thị chưa qua 21 ngày.
Nguyên nhân là do việc chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; Nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai chống dịch và chỉ đạo tiêm phòng, chưa quản lý được đàn vật nuôi, công tác tiêu hủy chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; Chưa xử lý nghiêm các trường hợp không tiêm phòng các loại vắc xin bắt buộc cho đàn vật nuôi; Ý thức của người dân chưa cao, còn hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi ra ngoài môi trường; Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi, phát tán lây lan dịch bệnh và công tác tiêm phòng vụ Thu năm 2024 cho đàn vật nuôi tiến độ còn chậm, kết quả thấp… làm nguy cơ dịch bệnh DTLCP và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan ra diện rộng rất cao.
Theo đó, để chủ động kiểm soát, xử lý kịp thời, hiệu quả dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đối với các UBND các huyện, thành phố, thị xã Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Đối với các địa phương đang có bệnh DTLCP tập trung mọi nguồn lực để xử lý, khống chế dịch kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng; tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Quyết định của UBND tỉnh về kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP,... Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; xem xét trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh và biện pháp phòng, chống; khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống khỏe mạnh, rõ nguồn gốc; không tái đàn, tăng đàn trong vùng có dịch bệnh; áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi, khu vực xung quanh có nguy cơ cao, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học; khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết phải báo ngay cho cán bộ thú y, tuyệt đối không giấu dịch để bán chạy, không vứt xác động vật ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng môi trường, tổ chức tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh; việc tiêu hủy phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tránh tình trạng một hộ có vật nuôi bị bệnh tiêu hủy nhiều lần, nhiều đợt. Tăng cường lực lượng liên ngành kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm vận chuyển, giết mổ, thu gom, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn theo quy định hiện hành.
Các địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện giám sát tiêu hủy gia súc mắc bệnh, lập hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh đúng đối tượng, công khai, minh bạch; tuyệt đối không để trục lợi chính sách.
Tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi vụ Thu năm 2024 đạt chỉ tiêu kế hoạch, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh (tỷ lệ trên 80% tổng đàn). Vận động người chăn nuôi chủ động mua vắc xin DTLCP để tiêm phòng cho đàn lợn theo hướng dẫn, khuyến cáo của Nhà sản xuất và Cơ quan quản lý thú y. Địa phương nào không chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, đạt tỷ lệ thấp, để dịch bệnh động vật lây lan ra diện rộng, có người chết do bệnh Dại... gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu phê bình trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ động phương án ứng phó với mưa bão, dịch bệnh và phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2024 - 2025; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn khôi phục sản xuất chăn nuôi sau mưa bão, dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh
Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, giám sát, cảnh báo và báo cáo dịch bệnh động vật. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi kịp thời; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư,... để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh DTLCP; thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Đối với Sở Tài chính; Sở TTTT và các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, đặc biệt tại các điểm lên xuống đường cao tốc Bắc - Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch; phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y cấp huyện, cấp tỉnh trong các trường hợp bị bắt giữ và xử lý vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Các tổ chức, cá nhân liên quan đến chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định.
Những tổ chức, cá nhân không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, không tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định; khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy đàn vật nuôi sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành.