STNN - Ngôi nhà Chuzhi có phần mái xoắn, được công ty kiến trúc Wallmakers ở Ấn Độ ví như một con rắn cuộn mình dưới tảng đá vào một ngày nắng nóng. Ngôi nhà nép mình vào một địa điểm hiểm trở và cũng có tính bền vững ấn tượng, được xây dựng một phần bằng cách sử dụng khoảng 4.000 chai nhựa tái chế.
- Năm 2025 Việt Nam thu gom, xử lý, tái chế 85% lượng chất thải nhựa phát sinh
- PRO Việt Nam cam kết thu gom và tái chế hơn 13.000 tấn bao bì trong năm 2023
Ý tưởng về ngôi nhà Chuzhi, có nghĩa là xoáy nước trong tiếng Malayalam (ngôn ngữ của Ấn Độ), xuất hiện khi công ty Wallmakers được giao nhiệm vụ xây dựng một ngôi nhà trên khu đất ở vùng nông thôn miền Nam Ấn Độ. Địa điểm này được nhiều người cho là không phù hợp để xây nhà. Công ty kiến trúc này đã tiến hành thiết kế ngôi nhà ở đây sao cho không lấn át quá mức cảnh quan xung quanh và ngôi nhà nằm ở vị trí thấp, nép mình vào một mỏm đá và bao quanh bởi một số loại cây.
Trong quá trình xây dựng, công ty Wallmakers đã kiên trì thu gom các chai nhựa bỏ đi, sau đó đổ đầy bê tông vào các chai nhựa đó và phủ đất xung quanh để tạo thành ngôi nhà. Ngoài ra, nội thất của ngôi nhà sử dụng gỗ khai hoang để làm sàn, trong khi các bức tường cũng chủ yếu được hình thành từ đất ở xung quanh bằng cách sử dụng kỹ thuật xây dựng kiểu lõi ngô. Theo đó, đất sét và rơm thường được trộn với nhau để tạo nên cấu trúc đàn hồi rất tốt.
Trung tâm nội thất của ngôi nhà Chuzhi là mái xoắn phức tạp, được tạo thành từ các dầm và kính cong, giúp đón được tối đa ánh sáng vào bên trong ngôi nhà cùng với các bức tường bằng kính.
Ngôi nhà Chuzhi một tầng có diện tích khoảng 200m2 với khu vực sinh hoạt đơn giản và mở, có nhà bếp, khu vực ăn uống và chỗ ngồi. Tiếp đến là một phòng ngủ chính và một phòng ngủ phụ. Ngôi nhà được trang trí theo phong cách trang nhã và phù hợp với vùng nông thôn, với tông màu đất và đồ nội thất bằng gỗ đơn giản. Ngôi nhà thông ra một hành lang được che bóng mát bởi cây cối xung quanh và còn có một khu vực với bể sục được xây trong đá tự nhiên.