Người dân còn lại những gì khi mưa lũ đi qua?

STNN - Đến thời điểm hiện nay nước lũ ở một số địa phương trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã rút đi đáng kể nhưng hậu quả của mưa lũ để lại khá nặng nề.

Mặc dù đã kê đồ đạc lên cao nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại về tài sản.

Mưa lớn bất thường cộng với hồ Vực Mấu xả tràn 2 cửa trong ngày 28/9, và xả thêm cửa còn lại vào rạng sáng ngày 30/9 khiến cho mực nước càng dâng nhanh và người dân trở tay không kịp.

Theo con đường dẫn vào thôn 5 xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến những gì mưa lũ để lại. Trên đường xuất hiện những hố sâu, xung quanh cây cỏ đổ rạp, nhà cửa chìm trong bùn đất. Sau lũ, rác thải cùng xác gia súc, gia cầm nằm rải rác trên các con mương, con rạch. Người dân ra sức dọn dẹp, xúc bùn đất ra khỏi nhà, thu gom xác động vật chết để tiêu hủy, cố gắng trở lại cuộc sống bình thường.

Nước sạch sinh hoạt là vấn đề cấp bách sau những đợt lũ.

Lội qua con đường làng đầy bùn đất, chúng tôi tới nhà chị Hoàng Thị Thùy ở thôn 5, xã Quỳnh Trang. Sau những ngày phải chống chọi với bão lũ, giờ phải oằn mình dọn dẹp những gì bão lũ để lại, gương mặt chị thất thần, mệt mỏi. “Nước lên nhanh quá, gia đình tôi không kịp làm gì” – chị Thùy buồn bã nói.

Cũng như bao hộ gia đình khác ở đây, gia đình chị Thùy sống chủ yếu nhờ nghề chăn nuôi. Mỗi năm, nghề này mang lại cho gia đình chị một khoản thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học.

Tâm sự với phóng viên, mắt chị Thùy đỏ hoe, chị vừa lau nước mắt vừa nói: “Trước kia, gia đình tôi chăn nuôi ở gần nhà. Do mùi hôi từ việc chăn nuôi, sợ làm ảnh hưởng đến những người dân xung quanh nên hai vợ chồng tôi quyết định vay vốn ngân hàng, rồi vay mượn anh em bạn bè mua miếng đất sát bờ sông Hoàng Mai để chăn nuôi. Gia đình chăn nuôi ở đây cũng được gần 6 năm. Năm ngoái, gia đình nuôi 33 con lợn, khi nước lũ dâng cao, cũng may được chính quyền địa phương, cùng mọi người trong thôn hỗ trợ di dời về nhà văn hóa, nhưng do lợn bị ngâm nước rồi cũng chết dần, đợt lũ đó gia đình cũng thiệt hại nhiều".

Công tác vệ sinh sau bão lũ hết sức khó khăn.

"Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay gia đình nâng cấp chuồng nuôi lên cao, cứ tưởng rằng sàn cao thì không sao. Nhưng nước năm nay lên nhanh và cao hơn năm ngoái khiến gia đình trở tay không kịp. Đàn gà gần 1.000 con và gần 50 con thỏ cũng bị nước cuốn mất. Còn hai bè cá mè vược, khi nghe tin bão lũ, gia đình cũng đã chủ động nhờ anh em bạn bè hỗ trợ đưa về nuôi trong hồ, cứ ngỡ như vậy thì sẽ an toàn, nhưng nước ngập, cá đi sạch. Bây giờ, gia đình chẳng có gì ngoài mấy con dê và gà. Có cái máy phát điện mua về để thắp điện cho gà chưa sử dụng lần nào, bây giờ gà cũng không còn mà máy phát cũng ngâm nước, hỏng mất rồi còn đâu.” - Chị Thùy nói trong nước mắt.

Còn ở xã Quỳnh Trang, lũ đổ về nhanh, mạnh, dữ dằn khiến cho người dân không kịp di dời tài sản. Chỉ trong thời gian ngắn, nước lũ đã nhấn chìm và cuốn trôi không biết bao nhiêu là tài sản, hoa màu của người dân.

Sau khi nước rút, nhiều diện tích rau màu của người dân bị hư hại hoàn toàn.

Ông Lê Công Vị, một người dân xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Nghe tin bão lũ, chúng tôi đã chuẩn bị những thứ cần thiết để ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhưng nước lũ lên quá nhanh và quá khó lường nên lực bất tòng tâm. Năm nay, nước lũ cao hơn bình quân các năm 1m, nhiều đồ đạc, vật dụng không kịp di chuyển đã bị hỏng. Sau khi nước rút, chúng tôi lo lắng làm sao để có đủ nước sạch để sinh hoạt, tình trạng thiếu nước sạch kéo dài ngày nào là dân chúng tôi khổ ngày đó.”

Hàng xóm nhà ông Vị, chị Đậu Thị Thu đến giờ vẫn chưa kịp hoàn hồn. Chị Thu kể, vùng này năm nào cũng phải chịu lũ, nhưng năm nay lũ về quá nhanh, chỉ trong chốc lát đã cuốn đi tất cả: “Nước lũ tràn về trong đêm khiến cho mọi người không khỏi bàng hoàng, nghe tiếng ào ào của lũ, tỉnh dậy thì đã quá muộn. Nước dâng quá nhanh, chỉ phút chốc nước đã ngập trắng băng. Gia đình lọ mọ cả đêm để đưa vật dụng thiết yếu lên cao; còn đàn gà hàng trăm con thì không kịp trở tay, tất cả trôi theo dòng nước lũ. Một số diện tích rau màu mới xuống giống cũng nát bét hết, khổ không nói hết.”

Gia đình anh Lê Công Ý, con trai ông Lê Công Vị cũng chịu thiệt hại nặng nề. Ngay trong đêm 29/9, anh cùng vợ vật lộn trong mưa bão để cố giữ lại đàn gà hơn 400 con, nhưng sức người không lại được với sức tàn phá của thiên nhiên. Trong đêm tối đen như mực, cùng với nước lũ đổ về như thác, gia đình anh lặn mò mãi mới được 2 tấm ván gác vội trên thành chuồng, con nào lên được thì sống.

Đàn gà hàng trăm con bây giờ còn lại chẳng đáng là bao.

“Bao nhiêu vốn liếng, bao nhiêu công sức chăm bẵm giờ chỉ còn như thế này đây. Cả đàn gà chết gần hết, sáng nay tôi phải vội đem đi tiêu hủy để tránh ô nhiễm, xót tiền xót của nhưng chẳng biết xoay xở ra sao. Số gà còn lại họa lắm còn 100 con, chúng dầm mình lâu trong nước chắc cũng khó sống.”

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết,… lẫn vào nước sông, suối, ao hồ. Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng. Địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống, bảo đảm sinh kế cho người dân.

Ngọc Linh