Nhớ mùa chim làm tổ

Cuối tháng Tư, những tia nắng vàng tươi, óng ánh đầu tiên xuất hiện xua đi cái tiết trời nồm, ẩm ướt và ngày mới được bắt đầu từ sớm hơn. Tiếng ve râm ran; tiếng chim chuyện trò ríu ran, ríu rít trên cành cây cao như giục gọi bạn về. Từng ngọn gió khe khẽ thổi qua lũy tre làng; ngọn gió ấy thổi mãi, thổi mãi suốt một quãng thời ấu thơ, để lũ mục đồng luôn nhắc nhớ về mùa chim làm tổ.

*

Mùa xuân đến, cây cối đâm chồi nảy lộc, khoác lên mình một màu xanh là lúc những chú chim đi tìm bạn tình cho mùa sinh sản mới. Mỗi loài chim có đặc tính thể hiện với bạn tình của mình một cách khác nhau và không xâm phạm lãnh thổ sinh sống của nhau. Trong thế giới của loài chim thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, có loài chim chích chòe đi tìm bạn tình khá ấn tượng và dễ nhận biết. Chim trống có cặp mắt đen lay láy, bộ lông trên cổ đen ánh pha màu xanh cổ vịt; khoảng trắng ở bụng và cánh; đuôi dài, có màu đen xen lẫn màu trắng tạo nên bộ dạng rất “bảnh”. Chim mái thì nhỏ hơn và có bộ lông màu ghi. Đó là cách để phân biệt giữa chim trống và chim mái dễ dàng nhất.

Sáng sớm mùa hè, khi trời còn lờ mờ sương, trên cành cây cao, chích chòe cất tiếng hót lảnh lót gọi bạn về. Đôi lúc, lại xảy ra cuộc rượt đuổi, khi có con chim trống từ nơi khác đến tìm bạn tình. Mọi thứ như làm mê hoặc người có sở thích với loài chim này, với màn đồng ca buổi sáng.

Ngọn cây cau, cây dừa, hốc cây, có khi là buồng chuối xanh hay nải chuối khum khúm như hai bàn tay chụm lại cong vút là nơi lý tưởng cho chim chích chòe làm tổ với vật liệu bằng cọng rơm vụn, lá cây phi lao khô…

Rồi chẳng bao lâu, cặp trứng màu xanh nước biển nhưng sẫm màu hơn, lấm tấm những đốm nâu xuất hiện. Chim chích chòe thường đẻ từ ba đến năm quả trứng cho mỗi lần sinh sản. Với người có kinh nghiệm, mê loài chim làm tổ thì nhìn màu quả trứng, xem cách xây tổ là biết đó là loài chim gì. Và lấy tiếng hót của nó làm dự báo thời tiết. Cứ mỗi khi nghe thấy tiếng chim chích chòe kêu “vít chòe, vít chòe” liên tục trong ngày là dấu hiệu báo trước mấy ngày tới trời sẽ có mưa.

Chào mào, loài chim thân thiện với thiên nhiên và gần gũi với con người. Chim chào mào có nhiều loại, nhưng được nhiều người biết đến là chào mào mũ với cái mũ màu đen, mà đám trẻ con vẫn thường gọi chim chào mào “đít đỏ đầu đen”. Chúng thường ăn các loại quả chín, nên mỗi khi trong vườn có trái chín là đám chào mào kéo nhau về ríu rít.

Chào mào thường làm tổ ở ngọn cây tre, cây nhãn, cây xoài; tổ của chúng có một đặc điểm rất dễ nhận biết, là ở dưới đáy tổ bao giờ cũng có một lớp túi nilon lót tổ và trứng của nó có màu trắng, đốm chấm màu nâu.

Chim vành khuyên đỏm dáng, thân hình nhỏ nhắn, xinh xắn lại khoác trên mình bộ lông vũ màu vàng cốm óng mượt; cặp mắt tinh anh được điểm xuyết thêm đôi khuyên màu trắng, bởi thế mà nó được gắn với cái tên vành khuyên. Cặp mỏ sắc nhọn của vành khuyên gom nhặt những sợi tơ nhỏ xíu mang về xây tổ. Vành khuyên thường làm tổ trên cây na, nhãn, xoài, hoặc cây hòe. Tổ chim vành khuyên nhỏ nhắn, được làm rất cầu kỳ, đẹp mắt; còn món ăn yêu thích của chúng là hoa quả, chuối, na, hồng chín.

Chim cu gáy là loài chim tinh tường nhất, cùng với thân hình vạm vỡ là bộ lông màu nâu đất, cặp đuôi dài, trên cổ có nhiều hạt cườm nhỏ như hạt vừng. Chim cu đất thường chọn nơi có không gian tĩnh lặng để trú ngụ, sinh sống, như đình, chùa, hoặc chọn những ngọn cây cổ thụ cao vút để làm tổ. Loài chim thích ăn đỗ xanh, thóc, vừng, lạc, kê này chăm con giỏi lắm; chả thế mà chim cu gáy con luôn béo tròn béo trục. Cu gáy có đặc tính sinh sản khác với nhiều loài chim khác, chỉ đẻ tối đa hai quả trứng cho một lần sinh sản. Tiếng chim cu gáy rất mộc mạc, gần gũi, đồng quê. “Cù cúc cu…”, cu gáy cất giọng bằng chất giọng thổ đồng, thổ pha, thổ tốt tiếng, hay còi pha, còi vu, chu đơn, chu đôi…, mỗi con có một chất giọng, âm hưởng khác nhau mà người chơi đặt cho nó.

Chim cu gáy.

Còn nữa, trong số những lần đi gặt, không ít người từng thấy tổ chim trên khóm lúa, đó chính là tổ chim chích. Chúng tước lá lúa thành sợi nhỏ và mảnh rồi cầu kỳ dùng mỏ luồn khâu, thêu dệt thành tổ. Chiếc tổ xinh xắn như một chiếc túi treo trên khóm lúa, có một ô cửa tròn là cửa ra vào. Trong chiếc túi treo ấy, cặp đôi chim chích thay nhau ấp trứng. Chim chích nhỏ hơn chim vành khuyên một chút nhưng chân cẳng dài hơn với chiếc đuôi dài luôn ngoáy tít, nhảy nhót. Mỗi khi người gặt lúa bắt gặp tổ chim, họ sẽ trừ khóm lúa đó ra, có người còn cẩn thận lấy cái que cắm xuống, cột khóm lúa đó lại phòng trừ gió thổi.

Ngày hè ỏi ả trôi qua, những cặp chim cứ miệt mài thay nhau ấp trứng và nuôi con. Chim trống thì đi kiếm mồi, chim mái ở lại tổ chăm sóc và bảo vệ con, bay qua bay lại bón mớm cho con ăn và dạy chim non tập bay chuyền. Khi bầy chim non đã đủ lông, đủ cánh, chúng bắt đầu cho cuộc sống tự lập bằng kỹ năng sinh tồn. Bầu trời xanh là của chúng. Bằng sự tự do trên đôi cánh, chúng bay qua những cánh đồng lúa chín, bay qua những khu vườn có nhiều cây xanh quả ngọt, qua lũy tre làng có dòng sông thăm thẳm cùng con đường đầy gió và nắng.

*

Giờ đây, ngồi ngoài ban công trước nhà, nghe tiếng còi xe ồn ào, náo nhiệt, nhìn dòng người đi lại nhộn nhịp giữa thành phố nhiều nhà cao tầng, đô thị hóa mật độ dày đặc, tôi tự tìm cho mình một không gian xanh có cỏ cây, hoa lá, có tiếng chim ca. Âm thanh luyến láy của chú chim họa mi, văng vẳng tiếng “cù cúc cu”, “cù cu” đổ hồi của chú chim cu gáy làm cho tôi nao lòng. Nghe đâu đây như tiếng gọi của quê hương!

                                                                                                  Hữu Thuật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây