STNN – Tại "nông trường cỏ treo" - một cơ sở trồng thức ăn thô xanh thủy canh có diện tích 140m2 ở Sumitusumu, Otog, TP. Ordos, Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc - mỗi hạt giống đều trải qua các bước kỹ thuật như chiếu sáng nhân tạo, phun tự động, tuần hoàn chất lỏng… Sau 7 ngày, hạt giống có thể phát triển thành cây cỏ xanh tốt. Sản lượng cỏ trung bình mỗi ngày có thể nuôi 50 con gia súc.
Bước vào kiểu nông trường này, các hàng cỏ được sắp xếp gọn gàng trên giá đỡ ươm cây giống tự động cao chót vót. Trên giá đỡ ươm mầm với đầy đủ các thiết bị: đèn bổ sung ánh sáng nhân tạo, thiết bị theo dõi nhiệt độ, độ ẩm…
Nguồn tài nguyên đồng cỏ thiên nhiên của Otog rất phong phú, trong đó diện tích có thể sử dụng là 26,1975 triệu mẫu Trung, chiếm 88,43% tổng diện tích đồng cỏ. Trong những năm gần đây, do việc thực hiện các chính sách phục hồi sinh thái đồng cỏ như cấm chăn thả gia súc và sử dụng cỏ để điều chỉnh chăn nuôi trên đồng cỏ tự nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi, mâu thuẫn giữa cỏ và vật nuôi ngày càng trở nên rõ ràng. "Đồng cỏ treo" làm giảm áp lực lên đồng cỏ tự nhiên và cung cấp một phương pháp mới để chăn nuôi gia súc, cũng như cân bằng nguồn cỏ.
Hasibatu người phụ trách "Đồng cỏ treo", năm nay đã 40 tuổi, lớn lên trên thảo nguyên Otog và từng tham gia công việc chăn nuôi. Năm 2015, khi đi thị sát “trồng cỏ thủy canh” tại Australia, anh nảy ra ý tưởng trồng thử nghiệm. Năm 2016, sau khi trở về Trung Quốc, Hasibatu đã sử dụng các công ten nơ để tiến hành trồng thử nghiệm "cỏ nuôi gia súc thủy canh" và đã đạt được thành công. Bắt đầu từ năm 2019, anh đã sử dụng giá thể để trồng các đợt và ổn định “cỏ nuôi gia súc thủy canh”, để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cỏ quanh năm cho vật nuôi.
Vào năm 2020, Hasibatu liên lạc với các nhà sản xuất máy móc, thử mô hình "nông nghiệp + công nghiệp" – tiến hành quản lý nông nghiệp hiện đại hoá đối với "cỏ nuôi gia súc thủy canh" và nghiên cứu phát triển các "cỏ nuôi gia súc thủy canh" thông minh. Tháng 2/2023, đã nhận được bằng sáng chế mô hình hữu ích do Cục Sở hữu Trí tuệ Nhà nước cấp.
Tháng 4 năm nay, cơ sở "cỏ nuôi gia súc thủy canh" thế hệ thứ ba hoàn toàn thông minh đã được đưa vào sử dụng: với một dây chuyền hoàn chỉnh tự động, như sàng lọc hạt giống, khử trùng, ngâm và nảy mầm, rải cây con và thu hoạch cỏ trưởng thành… Thông qua "nông nghiệp + công nghiệp + trí thông minh" để quản lý "cỏ nuôi gia súc thủy canh" toàn diện và chính xác hơn.
"Tôi không ngờ rằng, cỏ mà gia súc ăn có thể phát triển trong 'nhà kính' như rau, không hạn chế theo mùa", Hasibatu nói rằng nay ngay cả trong mùa đông lạnh giá, gia súc có thể ăn được cỏ tươi, điều này không chỉ làm giảm chi phí chăn nuôi, mà cỏ được trồng theo công nghệ này cũng bổ dưỡng hơn. Dữ liệu thực nghiệm cho thấy, tỷ lệ tiêu hóa cỏ tươi của vật nuôi có thể đạt 70% và tỷ lệ chuyển đổi năng lượng có thể đạt 90%, cao hơn lần lượt là 40% và 80% so với cỏ khô truyền thống. Nếu người nông dân chăn gia súc sử dụng cỏ tươi hữu cơ để cho gia súc ăn quanh năm, chi phí thức ăn có thể giảm 40%.
Hasibatu cho biết, trong tương lai, sản lượng "cỏ nuôi gia súc thủy canh" sẽ được tăng lên hơn nữa, một số cỏ tươi sẽ được chế biến thành thức ăn lên men, bán cho người nông dân chăn nuôi với giá thấp hơn thị trường 15% - 20% mỗi tấn, để đảm bảo các yêu cầu của địa phương về thức ăn chăn nuôi, bảo vệ gia súc trong thời gian cấm chăn thả...
Trong thời gian này, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi gia súc ở Bắc Kinh, Ninh Hạ, Tân Cương, Nội Mông… lần lượt liên hệ với Hasibatu, bày tỏ ý định khảo sát thực địa tình hình hoạt động của "Nông trường cỏ treo". Hasibatu cũng đang bận rộn phát triển cơ sở "đồng cỏ thủy canh" không người thế hệ thứ tư, tích hợp các bộ điều khiển để thực hiện gieo hạt tự động, đồng thời tăng quy mô và sản lượng trồng trọt một cách toàn diện.
"Bước tiếp theo, là quảng bá công nghệ quản lý đến nhiều người có nhu cầu hơn, thúc đẩy nhiều nông dân chăn gia súc trồng "đồng cỏ thủy canh", mở rộng quy mô chăn nuôi, từng bước mở rộng và củng cố ngành chăn nuôi, giúp các nông dân chăn gia súc tăng thu nhập và trở nên giàu có." Hasibatu nói.
Chử Cường (TC Ngành sữa Trung Quốc)