Peru: Mô hình hợp tác xã giảm áp lực thuế cho người trồng chuối

STNN - Vào năm 2013, nhận thấy sức hấp dẫn của các ưu đãi thuế, Apbosmam là hiệp hội sản xuất chuối đầu tiên của Peru chuyển đổi thành hợp tác xã. Ngày nay, tổ chức này có trụ sở tại Suiana vùng Piura, cung cấp chuối được chứng nhận hữu cơ và được chứng nhận Fairtrade cho bốn nhà nhập khẩu ở Đức, Ý, Pháp và Hà Lan.

Peru: Mô hình hợp tác xã đã giúp giảm áp lực thuế cho người trồng chuối Miguel Borrero, cựu Giám đốc của Apbosmam nhận xét: “Chúng tôi thành lập hiệp hội vào năm 2006, gồm 30 nhà sản xuất chuối nhỏ với 30 ha đất. Là một tổ chức nhỏ, chúng tôi phải phụ thuộc vào công ty bên thứ ba mua chuối của chúng tôi. Công việc của chúng tôi chỉ giới hạn ở việc cung cấp chuối, còn người mua chịu trách nhiệm chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi không có lợi thế đàm phán vì công ty (bên thứ ba) có thể tuỳ ý định giá."

Chứng nhận đóng vai trò quan trọng trong việc mở cửa thị trường

Peru: Mô hình hợp tác xã đã giúp giảm áp lực thuế cho người trồng chuối
Khử trùng chuối.

"Kể từ đó, chúng tôi đã bắt đầu quá trình củng cố tổ chức, bao gồm việc đưa nông dân mới vào các khu vực mới. Để đạt được vị trí hiện tại, chúng tôi phải xây dựng nhà xưởng đóng gói của riêng mình và nhận được các chứng nhận liên quan, bao gồm GlobalG.A.P., Fairtrade, USDA Organic và EU Organic, tất cả đều được cấp dưới danh nghĩa hợp tác xã.

Miguel cho biết, một trong những mục tiêu của việc thành lập hiệp hội là cải thiện chất lượng cuộc sống cho các hộ sản xuất trong khu vực. “Nhờ có chứng nhận riêng và thu nhập từ thương mại công bằng, chúng tôi đã bắt đầu cải thiện hoạt động ở cấp độ tổ chức, tập trung vào hỗ trợ thanh niên, phụ nữ, giải quyết các vấn đề xã hội và y tế. Cụ thể, chúng tôi đã cải thiện các trung tâm y tế trong khu vực, đồng thời đầu tư cho giáo dục bằng cách cung cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị máy tính cho trường học."

Làm gương cho các tổ chức khác

Peru: Mô hình hợp tác xã đã giúp giảm áp lực thuế cho người trồng chuối
Chuối được đóng hộp.

Kể từ khi thành lập hợp tác xã vào năm 2013, các tổ chức sản xuất chuối khác trong khu vực đã học hỏi theo Apbosmam và chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã. Lý do là vì trong những năm đó, Cục Thuế Quốc gia (SUNAT) có ý định đánh thuế mỗi hộp chuối bán ra của các nhà sản xuất, ngoài khoản thuế đã áp dụng cho hợp tác xã. Mô hình hợp tác xã đã mang đến giải pháp, vì các nhà sản xuất tham gia hợp tác xã được miễn khoản thuế bổ sung này.

Ngoài khách hàng ở châu Âu, Apbosmam gần đây đã bắt đầu đàm phán ban đầu với một số khách hàng từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ để thực hiện lô hàng đầu tiên. "Tuy nhiên, không may là hiện tại đang thiếu hụt trái cây, vì vậy chúng tôi không thể tiếp tục các cuộc đàm phán này. Hiện tại chúng tôi không có nguồn cung, vì vậy chúng tôi chỉ có thể tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện tại ", Miguel Borrero cho biết.

Kế hoạch bón phân 

Peru: Mô hình hợp tác xã đã giúp giảm áp lực thuế cho người trồng chuối
Chuối chuẩn bị xuất đi.

Hợp tác xã tìm cách tăng sản lượng bằng cách không chỉ thu hút đối tác mới và đất mới mà còn bằng cách thực hiện chương trình bón phân để tăng năng suất trên đồng ruộng. “Chúng tôi nhận thấy rằng do nước tưới chỉ được phân phối 20-30 ngày một lần, trong khi cây chuối cần được tưới 12-15 ngày một lần nên trên đồng ruộng có tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng và nước nhất định. Tại khu vực của chúng tôi, cây trồng chính là lúa nước, được tưới tiêu mỗi 30 ngày một lần, điều này quyết định thời gian tưới cho các cây trồng khác. Mặc dù lúa nước cung cấp việc làm cho 100.000 người trong khu vực, ngành chuối chỉ tạo việc làm cho 10.000 hộ gia đình, do đó đây là một vấn đề mang tính cơ cấu. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng thiếu nước, chúng tôi đang triển khai chương trình bón phân, sử dụng nguồn thu nhập bổ sung từ Fairtrade mang lại, chắc chắn sẽ giúp các nhà sản xuất phục hồi năng lực sản xuất", Miguel Borrero cho biết.

Bích Ngọc (Freshplaza)

Văn phòng của Aposmam.

Có thể bạn quan tâm:
Apbosmam
Calle Sánchez Cerro s/n
Cas. Mallaritos
Marcavelica – Sullana (Piura) – Peru
ĐT: +51 932124928
gerencia@apbosmam.com
www.apbosmam.com